Đổi mới, nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/10/2014 | 9:07:16 AM

YBĐT - Từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã thực hiện 23 chuyên đề giám sát trên tất cả các lĩnh vực với 246 cuộc giám sát tại các địa phương, cơ sở, đơn vị.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại một trường học trên địa bàn huyện Trạm Tấu.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại một trường học trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Trung bình mỗi năm, Thường trực và các ban của HĐND chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện từ 60 đến 70 cuộc giám sát chuyên đề với nhiều nội dung trọng tâm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị và cơ sở. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cuộc giám sát, nhất là giám sát theo chuyên đề, HĐND tỉnh xác định, phương thức tiến hành được đổi mới theo hướng kết hợp giữa kiểm tra thực tế với việc xem xét báo cáo và tăng cường đối thoại với các đơn vị, cơ sở, cá nhân.

Các kết luận giám sát tập trung đánh giá kết quả đã đạt được, chỉ rõ hạn chế và kiến nghị, đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó giúp cho tỉnh kịp thời xem xét giải quyết, điều chỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và góp phần cùng với các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, đề án thực hiện tại địa phương.

Năm 2014, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2013 trên địa bàn tỉnh”. Trước khi tiến hành giám sát, Thường trực HĐND tỉnh thu thập các văn bản, tài liệu của Trung ương và của tỉnh, thông tin của hơn 20 tỉnh để nghiên cứu; tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với một số tỉnh bạn và trao đổi với nhiều cán bộ, chuyên viên của các ngành, địa phương, phóng viên các cơ quan báo chí chuyên theo dõi về kinh tế để thu thập thông tin. Kết quả giám sát cho thấy, hiệu quả mang lại từ chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả bước đầu.

Nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên một bước. Sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị những hạn chế từ các chính sách : nhiều nội dung trùng lặp, nặng về cơ chế quản lý tập trung, chưa chú trọng phân cấp cho địa phương chủ động; một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, mức đầu tư hỗ trợ thấp, phải thực hiện nhiều thủ tục rườm rà; đầu tư dàn trải, phân tán, chậm về thời gian, chậm sửa đổi, thay thế; còn chủ quan khi xây dựng chính sách nên một số chính sách không phù hợp với thực tiễn, điều kiện sản xuất của người dân… Kết quả kiến nghị sau giám sát của chuyên đề này đã được UBND và ngành chức năng tiếp thu. Ngay tại kỳ họp HĐND gần nhất, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã được HĐND sửa đổi, bổ sung và thông qua, thay thế 03 nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản được ban hành từ đầu nhiệm kỳ.

Để hoạt động giám sát chuyên đề có hiệu quả, HĐND tỉnh luôn xác định hàng năm phải lựa chọn nội dung giám sát thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong từng thời điểm, được các ngành, các cấp và dư luận xã hội quan tâm; việc chuẩn bị tài liệu phục vụ giám sát có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giám sát; thu thập thông tin về chuyên đề giám sát từ nhiều kênh: các tỉnh, chuyên gia, các tổ chức, phóng viên…

Việc xây dựng kế hoạch giám sát phải cụ thể, bảo đảm được tính chủ động đối với cơ quan giám sát và các tổ chức, đơn vị được giám sát; gửi kế hoạch giám sát đến các cơ quan, đơn vị được giám sát và các thành phần tham gia giám sát đúng quy định, bảo đảm công tác chuẩn bị; bố trí thời gian thỏa đáng để giám sát trực tiếp và đối thoại với người dân, các đối tượng được thụ hưởng các chính sách.

Báo cáo kết quả giám sát đóng vai trò quan trọng nên thông báo kết luận giám sát phải tập trung được trí tuệ của tất cả các thành viên đoàn giám sát; phân tích, đánh giá khách quan về những kết quả, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân. Qua đó, có những kiến nghị, đề xuất xác đáng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn đồng thời ghi rõ thời gian cụ thể để yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan phải giải quyết xong các kiến nghị đó. Báo cáo và kết luận giám sát phải được gửi kịp thời đến các cơ quan có liên quan, đơn vị được giám sát; tiếp tục giám sát để nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND.

Đối với những kiến nghị về các vấn đề quan trọng, bức thiết chưa được giải quyết đúng thời gian quy định hoặc giải quyết chưa dứt điểm, Thường trực, các ban HĐND tỉnh phải tổ chức tái giám sát hoặc đề nghị đưa vào báo cáo thẩm tra hay đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của HĐND phải được giải quyết triệt để.

Vũ Việt Linh (Phòng Thông tin Dân nguyện, HĐND tỉnh)