Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/10/2014 | 4:15:38 PM

YBĐT - Ngày 25/10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo và báo cáo thẩm tra, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của chánh án tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Báo cáo của Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội nhận định: năm 2014, số vụ án khởi tố mới là hơn 65.000 vụ với hơn 100.000 bị can, tăng 2,24% về số vụ. Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm có chuyển biến tích cực. Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức được triệt phá. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được phát hiện và khởi tố như vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam… Tuy nhiên, ngoài những vụ án tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tham nhũng vặt diễn ra khá phổ biến, khó phát hiện do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu bằng chứng xử lý.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là tội phạm về mua bán người, tội phạm ma túy. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây áp lực gia tăng tội phạm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở, nhất là trong quản lý tài chính, tiền tệ, đất đai, quản lý biên giới, cửa khẩu…

Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Năm 2014 đã khởi tố 77.913 vụ án, đáng chú ý là các vụ án lợi dụng biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 để phạm tội. Tội phạm tham nhũng xảy ra nhiều, nhất là các vụ án ở ngân hàng. Tội phạm có tính chất xã hội đen vẫn diễn ra, liên quan đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, công tác xét xử có nhiều nét mới, nhất là việc đẩy mạnh tranh tụng tại tòa. Tuy nhiên, việc phát hiện các vụ án có tính chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa cao. Công tác xét xử vẫn còn nhiều hạn chế, một số nơi để xảy ra oan sai, gây bức xúc dư luận; tỷ lệ xử lý tin báo tố giác chưa cao...

Trong khi đó, qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho thấy, công tác thụ lý các vụ án năm 2014 đạt 92,8%. Công tác xét xử có nhiều tiến bộ, đã khắc phục cơ bản tình trạng các vụ án để quá thời hạn. Chất lượng xét xử được cải thiện, tính tranh tụng cao hơn, chưa có trường hợp nào bị kết án oan. Chỉ có 9 trường hợp tòa trả lời kháng nghị nhưng sau đó Tòa án nhân dân tối cao phải kháng nghị. Tuy nhiên, vẫn chưa khắc phục triệt để các bản án quá luật định... Đặc biệt, có điểm đáng chú ý là theo phản ánh các địa phương, việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc là rất tốn kém.

Từ thực tế đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, năm 2015, Chính phủ phải tiếp tục chủ chủ động các giải pháp về phòng chống tội phạm, không để xảy ra các tình huống  bị động bất ngờ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình. “Cần đánh giá đầy đủ các tỷ lệ tội phạm tăng-giảm, nguyên nhân. Chống bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra nhục hình, không để án oan. Đẩy nhanh tiến độ rà soát các trường hợp có đơn kêu oan, nhất là các án có tù trên 20 năm, chung thân, tử hình..”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Thảo luận về nội dung này, hầu hết các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ nhưng tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp, khó lường hiện nay của các loại tội phạm. Bên cạnh đó là những bức xúc trong lĩnh vực xét xử, thi hành với nhiều hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần qui định xử lý các hành vi tham nhũng trong cán bộ nhà nước ở những người có chức vụ quyền hạn thì mới có thể hạn chế tham nhũng,... không chỉ đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, mà cần phải chống cả với những hành vi ngoài cơ quan nhà nước. Một số ý kiến khác cho rằng: Việc khai tài sản để từ đó tìm ra những hành vi tham nhũng là cần thiết.

Có ý kiến: Chủ động phòng ngừa tham nhũng là chủ đạo, nếu phòng tốt thì chống tham nhũng mới có hiệu quả... Chương 6 qui định vai trò giám sát của Mặt trận và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát tham nhũng thì phòng chống tham nhũng mới thực sự có chất lượng là cần thiết. Vì không ai giám sát các hành vi tiêu cực tốt hơn nhân dân... Để chống tham nhũng thực sự có hiệu quả, một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan thông tin đại chúng, nhưng những thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng cũng cần phải khách quan trung thực...

Đức Toàn