Cần tập trung quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu phương tiện mô tô, xe máy

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/11/2014 | 12:45:17 PM

Ngày 18-11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”.

Theo số liệu của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ…, trong những năm tới đây xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, xe máy là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ.

Theo thống kê tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều gia gnày đòi hỏi cần phải tăng cường quản lý nhằm bảo đảm an toàn, kéo giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham iao thông của người đi mô tô, xe máy đồng thời phát huy được những lợi thế và hiệu quả của loại phương tiện này.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về an toàn giao thông đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy được công bố tại hội thảo, việc sở hữu, sử dụng xe máy là hành vi quen thuộc, khó thay đổi của người dân Việt nam, mặc dù họ cũng có lo ngại về an toàn. Tuy nhiên, có thể cải thiện được các mặt kém hấp dẫn của xe máy với một chi phí tương đối thấp thông qua các biện pháp giáo dục, đào tạo, tăng cường thiết bị quản lý giao thông nhỏ, cải thiện quản lý giao thông và quản lý đỗ xe với quy định chặt chẽ hơn và cưỡng chế thi hành quy định tốt hơn.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, không phải sự gia tăng sở hữu phương tiện mà sự gia tăng sử dụng ô tô, xe máy mới gây ra vấn đề về giao thông. Vì vậy, chính sách của chính phủ cần tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu xe máy, trong khi cần quản lý cả sở hữu và sử dụng ô tô. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy có nhiều công cụ có thể sử dụng để quản lý tốt hơn việc sử dụng phương tiện cá nhân và cần một chiến lược dài hạn để tối đa hóa vai trò của vận tải hành khách công cộng.

(Theo SGGP)