Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 8:47:19 AM

YBĐT - Sau một tháng thực hiện không chấm điểm học sinh tiểu học mà thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá của các thầy cô giáo theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bước đầu đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.

Những điểm 9, điểm 10 giờ sẽ không còn xuất hiện trên các trang vở của học sinh tiểu học mà thay vào đó là những lời nhận xét, đánh giá của các thầy cô giáo. Với những lời nhận xét: “Em làm bài tốt”, “Có cố gắng trong học tập, nhận thức tốt” hay “Cần phải cố gắng” ... đã không có sự ganh đua về mặt điểm số, giúp học sinh, các thầy cô giáo và chính các nhà trường “giảm bớt” áp lực thành tích, tạo không khí thoải mái giữa thầy, cô và trò trong học tập.

Những lời nhận xét ấy sẽ ghi nhận những kết quả mà các em đã làm được, chỉ ra những thiếu sót trong bài tập của mình và chỉ ra những biện pháp hỗ trợ để các em tránh được những sai sót trong các giờ làm sau. Đây chính là hiệu ứng tích cực nhất trong các nhà trường sau 1 tháng thực hiện.

Bên cạnh những lời nhận xét trong vở, các thầy cô giáo còn thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn các em trong những giờ học. Việc trao đổi thường xuyên như vậy sẽ giúp thầy, trò và phụ huynh học sinh gần gũi với nhau hơn, tạo không khí thân thiện hơn trong các giờ học. Việc nhận xét đúng và trúng của các thầy cô giáo sẽ tạo thêm được động lực để các em phấn đấu hơn nữa trong học tập.

Tuy nhiên, việc thực hiện cách đánh giá mới này lại đòi hỏi cao hơn về tinh thần trách nhiệm hay nói đúng hơn là đề cao “cái tâm” của người thầy đối với các em học sinh. Việc bỏ chấm điểm thay bằng nhận xét đã khiến không ít giáo viên nhất là các giáo viên bộ môn như: Âm nhạc, Hội họa, Thể dục phải gặp áp lực quá tải vì việc nhận xét phải thực hiện cho học sinh của toàn trường. Làm thế nào để các thầy cô giáo nhận xét đúng, trúng, không gây áp lực để các em có thể phát huy hết khả năng học tập và những lời nhận xét ấy không mang tính rập khuôn, sáo rỗng, copy từ học sinh này sang học sinh khác luôn đòi hỏi các thầy, cô giáo phải học hỏi, tăng cường khả năng chuyên môn, gần gũi, thân thiện, thường xuyên chia sẻ với các em học sinh, nắm bắt tâm lý để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Khi thay đổi một cách làm từ cái mới sang cái cũ đòi hỏi phải có một thời gian nhất định để vận dụng, xem xét, đánh giá. Từ đó, những ưu điểm sẽ được phát huy, những khuyết điểm sẽ được khắc phục kịp thời để giảm áp lực bởi điểm số và thành tích đối với các em học sinh, các thầy cô giáo, phụ huynh và toàn xã hội. Những khó khăn bước đầu sẽ qua đi, các nhà trường, các thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc phụ huynh hiểu và đánh giá đúng hiệu quả của Thông tư 30 sẽ góp phần quan trọng vào đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

 Hà Anh