Mở rộng hơn nữa các cơ sở điều trị Methadone

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/1/2015 | 3:03:59 PM

YBĐT - Điều trị cho đối tượng nghiện các chất ma túy bằng Methadone mang lại hiệu quả rất tích cực, chỉ sau một thời gian ngắn người nghiện đã giảm hoặc ngừng hoàn toàn việc sử dụng bất hợp pháp hêrôin và các chất gây nghiện khác, cải thiện tình trạng sức khỏe.

Mặc dù chưa có báo cáo tác động xã hội của cấp có thẩm quyền nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng sau khi các cơ sở điều trị Methadone ra đời, số con nghiện lang thang ngoài bến xe, bến tàu giảm hẳn; tình trạng con nghiện công khai tiêm chích ma túy gần như không còn. Hàng loạt các thí dụ điển hình mà việc điều trị Methadone đã mang lại như có người nghiện trước đây mỗi ngày tiêu tốn tiền triệu đồng tiền mua ma túy thì nay đã thôi hẳn, mỗi tháng chỉ mất có 22 nghìn đồng tiền mua cốc uống thuốc hoặc, từ ngày ngày dùng Methadone đã béo khỏe hẳn, không những không đi lang thang nữa mà còn ở nhà giúp đỡ gia đình nhiều việc. Có khu phố có 3 đối tượng nghiện, nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên, nay đã bình yên trở lại vì cả ba đã dùng Methadone nên không còn “đói” thuốc. Hơn thế, sau khi sử dụng Methadone rất nhiều người nghiện đã tự tin hơn trong việc hòa nhập cộng đồng, cuộc sống gia đình cũng êm thấm, mâu thuẫn nội bộ giảm hẳn. Như vậy, Methadone đã góp phần mang lại sự bình yên, ổn định cho xã hội, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS.

Yên Bái có 3 cơ sở điều trị Methadone, trong đó hai cơ sở ở thành phố Yên Bái gồm: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Sở Y tế; Trung tâm Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - Thương và Xã hội và một cơ sở đặt tại Trung tâm Y tế Nghĩa Lộ. Số bệnh nhân đang điều trị Methadone dao động trong khoảng 340 đến 350 người. Những con số kể trên cho thấy, số cơ sở điều trị Methadone và số người nghiện sử dụng Methadone thay thế các chất ma túy ở tỉnh còn quá ít so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều người nghiện ở nhiều địa phương chưa thể tiếp cận được với nguồn thuốc “hướng thiện” này. Không ít đối tượng nghiện từ Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình… ngày ngày vẫn phải đi lại hàng chục cây số hoặc sống lang thang ở thành phố để nhận được thuốc uống, ít nhiều gây ra sự tốn kém, lãng phí và cả những vấn đề xã hội phức tạp khác phát sinh.

Trên thực tế, thành lập các cơ sở điều trị Methadone không quá phức tạp, không tốn nhiều kinh phí và nhân lực nhờ nguồn thuốc vẫn đang được các tổ chức quốc tế tài trợ; nhân lực chính là đội ngũ cán bộ y tế sẵn có (chỉ cần đi tập huấn một thời gian ngắn tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS). Ngay cả khi nguồn thuốc không còn được tài trợ thì số tiền thuốc nhiều nhất cho mỗi bệnh nhận chỉ khoảng 300 nghìn đồng, như vậy có thể xã hội hóa: thu nộp từ bệnh nhân, vận động quyên góp, tài trợ từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước…

Với sự tác động rất tích cực đối với bản thân người nghiện, gia đình họ, địa phương nơi họ sống và cả xã hội  thì việc mở rộng hơn nữa các cơ sở điều trị Methadone, tiến tới mỗi huyện, thị có một cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người nghiện ma túy là rất cần thiết.

Lê Phiên