Bí thư dân nghe

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/2/2015 | 9:18:12 AM

YBĐT - Khi những vạt tớ dảy bung thắm núi đồi cũng là lúc Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải xâm xấp nước nguồn để chuẩn bị bước vào vụ mới. Đường tôi đang đi dẫn đến nhà bí thư chi bộ Hảng Tồng Chư ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn...

Con đường từ bản Trống Tông xuống trung tâm xã La Pán Tẩn vừa được sửa chữa, nâng cấp giúp người dân đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Con đường từ bản Trống Tông xuống trung tâm xã La Pán Tẩn vừa được sửa chữa, nâng cấp giúp người dân đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Từ vận động nhân dân làm đường giao thông... 

Con đường bê tông chạy dài lên tận đỉnh núi đưa chúng tôi đến bản người Mông Trống Tông. Bến bếp lửa hồng, câu chuyện vận động nhân dân cùng làm đường giao thông, tổ chức ăn chung một tết dân tộc và vận động học sinh đến lớp… với người Bí thư chi bộ này cứ thế tuôn chảy...

Trước đây, tuyến đường từ trung tâm xã lên bản chỉ là con đường mòn, cây cối um tùm, rậm rạp, thành thử người có tiền cũng không muốn mua xe máy để đi, còn nhiều người có xe phải gửi tận trung tâm xã, sau đó lại đi bộ về nhà, rất bất tiện. Hơn thế, khi mùa thu hoạch sơn tra, không có đường vừa mất công sức vận chuyển, lại bị tư thương ép giá.

Nhận thấy những trở ngại của giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển của bản, Bí thư chi bộ Chư cùng Ban vận động xây dựng nông thôn mới của bản đã đến từng nhà giải thích với bà con: có đường, xe máy chỉ khoảng 30 phút là xuống được chợ chứ không phải mất cả ngày cõng, gùi trên vai, vất vả mà công lại chẳng được bao nhiêu; đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông, kinh tế mới phát triển v.v… Qua được giải thích vận động, hiểu được tác dụng to lớn của đường giao thông mang lại, cả bản Trống Tông nhiệt liệt hưởng ứng hiến đất và tham gia làm đường. 

Để làm đường vào bản, Bí thư Chư báo cáo xã sau đó nhờ những người có kinh nghiệm lên kiểm tra thực địa, tư vấn thiết kế để mở làm sao cho thuận lợi nhất mà tránh được những dốc đứng. Sau mỗi lần được góp ý, anh lại cẩn thận ghi chép vào sổ, đánh dấu từng đoạn đi qua nương của người dân để lựa lời vận động.

Với sự nhiệt tình của Bí thư chi bộ, giờ đường từ trung tâm La Pán Tẩn lên bản Trống Tông dài 2 km được san gạt rộng rãi, ô tô hai cầu và xe máy có thể đi lại dễ dàng. Người dân không phải gù lưng vác từng bao táo, bao ngô xuống chợ bán như trước nữa. Vậy mới có chuyện, mùa táo vừa qua, gia đình ông Hảng Súa Già đã thu được gần 200 triệu đồng, vì ngay từ đầu vụ đã có thương lái đến tận nhà đặt mua cả đồi, còn hộ gia đình thu vài chục triệu thì không hiếm. “Đường đi thuận lợi, giá cả ổn định nên mình không phải lo đi chợ bán như những năm trước. Người Mông mình từ trước đến nay chỉ chờ tới mùa rồi lên rừng hái táo, được bao nhiêu bán bấy nhiêu, nhưng giờ đã biết trồng, bón phân để cây ra nhiều quả hơn, chất lượng tốt hơn, cũng nhờ Bí thư chi bộ Chư cả đấy” - ông Già chia sẻ.

...Đến vận động ăn chung một tết, không để trẻ em bỏ học

Trước đây, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải nói chung và thôn Trống Tông nói riêng thường ăn tết cổ truyền của dân tộc mình sớm hơn tết Nguyên đán một tháng. Ăn tết sớm như vậy vừa lãng phí thời gian, lại ảnh hưởng đến sản xuất, không những thế, còn tốn kém về kinh tế mà niềm vui cũng không được trọn vẹn, bởi vì, khi ăn tết là lúc con cháu vẫn đang đi học, thi cử tại trường, người làm công tác cũng không được nghỉ. Thực hiện chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết của tỉnh, Bí thư chi bộ Chư đã họp dân bản để bàn bạc, thống nhất ăn tết cổ truyền cùng với tết Nguyên đán dân tộc nhưng không thay đổi các phong tục, tập quán truyền thống như thờ phụng tổ tiên, vui chơi ngày xuân. Sự phân tích có tình, có lý của người Bí thư chi bộ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con dân bản.

Bà Lý Thị Chư, một người dân bày tỏ: “ Được anh Chư tuyên truyền, vận động chúng tôi nhận ra ăn tết sớm thì không được vui lắm, con cháu lúc ấy đi học, đi công tác chưa kịp về, lại ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, bà con đã thực hiện ăn chung một tết, chúng tôi thấy rất vui”.

Đấy là chuyện vận động ăn tết, còn chuyện vận động bà con quan tâm học hành của con em lại khác. Nhà Bí thư Chư  cách điểm trường mầm non và trường tiểu học bản Trống Tông không xa. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hai điểm trường đã được xây dựng khang trang, nhưng vào mùa vụ, lớp học vắng teo, chỉ có cô giáo với vài học trò vì nhiều người vẫn bắt con ở nhà lao động.

Khắc phục tình trạng này, mỗi tuần một lần, Bí thư Chư  lại lặn lội đến từng nhà nói "cái lý" với bà con rằng: “Hạt ngô để trong bao không mọc được mầm, không thành cây, thành bắp được. Trẻ con không đi học đều, không giỏi viết cái chữ, không đọc được bài, sau này không làm “cáng bổ” (cán bộ) giỏi đâu”. Sau nhiều lần, bà con nghe ra, tỉ lệ chuyên cần của học sinh trong bản tăng lên rõ rệt.

Chuyện về Hảng Tồng Chư vừa làm Bí thư chi bộ vừa làm Trưởng ban vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới ở Trống Tông giúp cuộc sống bà con vùng cao đổi thay khiến tôi suy nghĩ mãi trên suốt đường về. Giá như thôn, bản nào trong tỉnh cũng có những đảng viên nhiệt tình, hết mình công việc vì nhân dân như Bí thư Chư, chắc chắn cuộc sống bà con sẽ còn nhiều thay đổi!

 Quang Thiều