Hành động thiết thực vì an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2015 | 9:43:54 AM

YênBái - YBĐT - Trực tiếp tác động đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người nên an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là mối quan tâm của mỗi người mà là vấn đề của mọi quốc gia trên thế giới.

Trên thế giới gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người, điển hình nhất là vụ sữa nhiễm chất Melanin tại Công ty Tam Lộc (Trung Quốc) khiến hàng ngàn trẻ em bị bệnh sạn thận, trong đó có nhiều trẻ tử vong.

Còn ở Việt Nam, những năm qua đã xảy ra nhiều vụ thực phẩm nhiễm độc như: nước tương, tình trạng sữa không đủ độ đạm, hạt dưa và bột nêm có chất Radamin gây ung thư, dầu ăn tái chế từ mỡ phế thải; chất kháng sinh, chất tăng trọng trong sản phẩm thịt, rau xanh tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn. Hậu quả, năm 2014, cả nước có 194 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.203 người mắc, trong đó có 43 người tử vong.

Tại Yên Bái, chỉ tính riêng trong năm 2014 và quý I/2015, toàn tỉnh đã có 16 ca ngộ độc thực phẩm với 174 người mắc, trong đó 2 người tử vong. Nguyên nhân là do các chất độc có sẵn trong thực phẩm như: cóc, hạt củ đậu, nấm, lá ngón, rượu ngâm với loại củ rừng...

Bên cạnh đó, do nhận thức của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quản lý chưa được đề cao; hệ thống thanh tra chuyên ngành, phương tiện kiểm nghiệm còn yếu kém cả về trình độ lẫn trang bị. Đặc biệt, khâu sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, dẫn đến thực phẩm kém chất lượng, có sử dụng các loại phụ gia bị cấm vẫn lưu thông trên thị trường... vẫn tồn tại.

Trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm làm căn cứ, cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng năm, từ 15/4 đến 15/5 được lấy là Tháng hành động An toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về vấn đề này và chủ đề Tháng hành động An toàn thực phẩm năm 2015 là: “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Với hai loại thực phẩm thông dụng, được dùng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày là thịt và rau, việc nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và kiến thức sử dụng thực phẩm an toàn là yếu tố quyết định. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có những hành động cụ thể, cụ thể là việc làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức về an toàn thực phẩm tới mọi người dân, trong đó có nội dung của Luật An toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần tổ chức quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm từ quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh qua  đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật…; kiên quyết ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán và sử dụng gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ có thể gây ra ngộ độc trong thực phẩm từ các sản phẩm rau, thịt, nhất là các bếp ăn đông người.... Cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng hãy tự trang bị cho mình kiến thức về an toàn thực phẩm để giảm thiểu thiệt hại về tiền bạc, sức khỏe do thực phẩm không an toàn gây nên. 

Văn Tuấn