Đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2015 | 3:50:57 PM

YBĐT- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 28/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật Trưng cầu dân ý; Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); thảo luận tại Hội trường về quyết toán ngân sách năm 2013 và Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo Luật Trưng cầu dân ý gồm 9 chương, 56 điều được xây dựng theo phương án cụ thể hóa tối đa các quy phạm để áp dụng trực tiếp, không ban hành nghị định hay hình thức văn bản khác để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đa số ý kiến cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội. Đồng thời, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ban soạn thảo nhất trí với đa số ý kiến và đã thể hiện theo hướng này trong Dự thảo.

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 gồm 10 chương, 81 điều, tăng 5 điều so với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật cũng đã bổ sung, làm rõ quy định Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia; quy định rõ nguyên tắc lập chiến lược phải đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bổ sung vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào nội dung Chiến lược.

Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) gồm 20 chương, 305 điều, tăng thêm 2 chương và 40 điều so với Luật Tố tụng hành chính hiện hành.

Thảo luận tại Hội trường về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời  gian tới Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh tế phát triển và bảo đảm phúc lợi an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh.

Mạnh Cường