“Nhà anh còn cơm cho em xin bát...!”

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2015 | 2:51:43 PM

YênBái - YBĐT - Giữa tháng Năm, tôi đến xã Đại Minh, huyện Yên Bình thực hiện bài viết về việc quy hoạch nghĩa trang theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tôi đã tìm hiểu tình hình chung, các vấn đề liên quan qua Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, UBND xã. Nhưng tôi muốn, phải xuống tận cơ sở để nắm bắt thông tin kỹ hơn. Và tất cả những nơi tôi đã đến, đều chân thực, sống động với mọi tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của người dân về vấn đề này. Cũng theo câu chuyện của người dân, tôi tìm tới thôn Khả Lĩnh.

Đã quá trưa, con đường dẫn vào Khả Lĩnh rợp bóng bưởi và mát mẻ. Tôi hào hứng vô cùng và thả hồn mơ mộng, bởi đã có những lúc mong biết bao xa con đường phố thị đông đúc, ồn ào, nhộn nhịp để tận hưởng sự yên bình, thư thái, tĩnh tại của con đường làng đầy màu xanh. Vậy mà, cảm giác tuyệt vời ấy cũng chẳng có được bao lâu vì tôi bắt đầu thấy bụng cồn cào, hoa mắt và chóng mặt. “Dấu hiệu hạ đường huyết là đây” - tôi nhủ thầm.

Lúc ấy, tôi thấy sao đường làng vắng vẻ đến thế? Sao một hàng quán mãi chẳng ló dạng? Sao không ai người lại qua cho hỏi thăm một lời...? Mãi rồi, tôi cũng gặp một người đàn ông dắt theo một con chó xồm to tướng giữa đoạn đường nắng rát. “Nhà ông Khải Trưởng thôn hả? Qua xa rồi, quay lại đi, gặp ai thì cứ hỏi tiếp, nhá!” - tôi cảm ơn vội vã để vội vàng ngược đường trở lại. A! một chị đội nón từ nhà ra cổng cho gà ăn trưa: “Đấy, đấy, thế, thế... Ừ, ừ, Trưởng thôn nhà đó!”.

 Theo tay chị chỉ đường “Đấy, đấy, thế, thế...”, tôi đã dừng trước một ngôi nhà để cất tiếng: “Anh Khải ơi, anh có nhà không ạ?”. “Tôi đây, cô hỏi gì?”, một người đàn ông gương mặt cương nghị hé cửa. Vào nhà, tôi nhanh chóng giới thiệu và trình bày lý do, mục đích của mình. Trưởng thôn Trần Quang Khải gật gật, rót nước mời và lấy sổ ghi chép. Tôi hỏi ngay: “Nhà anh còn cơm cho em xin một bát ạ?”. Nét mặt của người Trưởng thôn này cho biết rằng, anh hoàn toàn bất ngờ, ngạc nhiên và chưa hiểu ý tôi muốn gì. Vậy nên, tôi cố nói lại chậm hơn, to hơn, rõ hơn lần trước: “Nhà anh còn cơm cho em xin một bát ạ, em đói quá!”. Ổn rồi, nét mặt anh giãn ra một cách thật dễ hiểu. Anh nhổm dậy, xuống bếp. Như bản năng, tôi đi theo ngay và thậm chí còn đến cửa bếp trước cả anh. Vợ anh đang lúi húi cạnh giếng nước, anh nói với vợ lấy cơm cho tôi ăn. “Ơ, còn tí cơm nguội, tôi vừa vét nốt cho... chó rồi!” - tôi thất vọng, rã rời và càng thấy đói hơn khi nghe chị trả lời chồng mình. Tôi chuyển hướng ngay: “Có mỳ, miến, bánh đa... cũng được chị ạ!”. Trở lại ghế ngồi, tôi nói với anh Khải: “Anh chờ em ăn đã, để em nghỉ một chút, em chưa thể nói gì”. Vài phút sau, vợ Trưởng thôn bưng lên cho tôi một bát mỳ tôm trứng. Thú thật, đây là món mà ở nhà mình thì tôi chưa bao giờ thích mà sao bấy giờ ngon đến kỳ lạ! Nhìn tôi ăn hết sức nhiệt tình và ngon lành, Trưởng thôn Khả Lĩnh lẩm bẩm một mình thành tiếng: “Vị này là cũng chơi được đấy chứ!”. Tôi phì cười, suýt sặc...

No nê, tôi phấn khởi tiếp tục công việc của mình. Trưởng thôn đưa tôi đến nhiều hộ dân trong làng. Khả Lĩnh thật thơ mộng với xanh bóng bưởi mát lành bên dòng sông Chảy hiền hòa! Mặt trời xuống dần, tôi cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ. Lời tạm biệt của tôi với vợ chồng Trưởng thôn dường như chẳng có điểm dừng bởi cứ móc nối nhau mãi. Anh chị hỏi thăm gia đình, cuộc sống, công việc... của tôi và mời tôi một dịp nào đó về lại Khả Lĩnh. Tôi chúc anh việc làng luôn luôn thông suốt! Tôi nói với anh chị, bức ảnh họ chụp nhân kỷ niệm 35 năm ngày cưới có đề bài thơ anh viết tặng chị để lại trong tôi cảm xúc tươi đẹp. Tôi nói với vợ anh rằng: “Chị là một người vợ hạnh phúc! Hạnh phúc là anh chị đã có nhau, anh chị đã bên nhau từng ấy tháng năm. Hạnh phúc là thế, chị ạ!”. Chị cười, nụ cười xanh mát như bóng bưởi của làng. Và tôi đã mang theo về nụ cười làng bưởi...

Nguyễn Thơm