Văn Yên tăng cường bảo vệ đường giao thông

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 3:04:35 PM

YênBái - YBĐT - Tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối với nhân dân và chủ phương tiện; phân đoạn các tuyến đường theo địa bàn, giao cho từng xã quản lý, bảo vệ đồng thời thành lập các tổ tự quản tại nhiều đoạn đường…

Các tuyến đường giao thông nông thôn được bảo vệ sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Các tuyến đường giao thông nông thôn được bảo vệ sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Đó là những việc làm mà Văn Yên đang tích cực triển khai để kiên quyết đấu tranh với hành vi chở hàng quá khổ, quá tải trọng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Hơn 1 tháng nay, từ Yên Hưng cho đến Phong Dụ Hạ, từ thị trấn Mậu A cho đến Viễn Sơn, Xuân Tầm…, hoạt động tuyên truyền “Toàn dân bảo vệ đường giao thông” diễn ra rộng khắp, sôi nổi. Các quy định, các văn bản hướng dẫn về bảo vệ môi trường, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xử lý xe quá khổ, quá tải được phổ biến đến nhân dân, doanh nghiệp với nhiều hình thức phong phú thông qua Cổng Thông tin điện tử của huyện, hệ thống loa đài các xã, thị trấn và trong buổi họp của các xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố.

Theo ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, để phong trào triển khai hiệu quả, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp huyện xuống xã. Trên cơ sở đó, huyện tổ chức chỉ đạo điểm tại các tuyến đường: Đông An - Phong Dụ Hạ, Yên Hưng - Yên Thái - Ngòi A - Quang Minh - An Bình, Yên Hợp - Yên Phú - Viễn Sơn. Đến nay, nhiều xã đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai ký cam kết với từng hộ dân, chủ phương tiện về bảo vệ môi trường, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; trong đó, tập trung vào các nội dung: không vận chuyển hàng quá tải trọng; không lấn chiếm hành lang, lòng lề đường; không sử dụng hành lang, lòng lề đường làm nơi tập kết vật liệu; không xả nước, xả rác thải ra đường…

Ngoài ra, tại địa phương sẽ thành lập tổ tự quản theo các tuyến đường để phát hiện, ngăn chặn xe chở quá khổ, quá tải trọng, kịp thời thông báo đến chính quyền và cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, các tổ tự quản này sẽ phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ quan chức năng trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải; cung cấp thông tin đối với các trường hợp liên quan đến bao che, bảo kê cho xe quá khổ, quá tải.

Ông Triệu Tòn Triệu - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Tầm cho biết: “Song song với các hoạt động tuyên truyền, xã đang tiến hành cắm biển hạn chế tải trọng tại nhiều tuyến đường theo quy định của ngành giao thông. Qua đó, người dân và các chủ xe đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã”.

Một trong những đối tượng mà Văn Yên tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm sản và khai thác, chế biến khoáng sản. Cụ thể, huyện tổ chức ký cam kết để thực hiện nội dung như: cam kết bảo vệ môi trường chống khói, bụi; không xuất hàng quá tải trọng; không chở hàng quá tải trọng. Riêng đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản (mỏ đá, mỏ đất, quặng sắt...) phải đăng ký tuyến đường vận chuyển với UBND huyện và cam kết duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; hoàn trả các tuyến đường sử dụng làm đường vận chuyển phục vụ hoạt động của mỏ. Song song, vào ngày chủ nhật cuối cùng hàng tháng, huyện phát động “Ngày giao thông” trên toàn huyện để vận động toàn dân tham gia bảo dưỡng, sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường.

Vấn nạn xe quá tải lâu nay khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung bị xuống cấp trầm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Mỗi năm, Nhà nước phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng giao thông. Do vậy, việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ đường giao thông là một giải pháp đúng hướng, hiệu quả nhằm bảo vệ các tuyến đường giao thông khỏi sự tàn phá của xe quá tải.

Hùng Cường