Trước ngưỡng cửa hội nhập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2015 | 9:49:55 AM

YênBái - YBĐT - Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nêu rõ quan điểm: “… Hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào tình huống bị động, đối đầu”. Vì vậy, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nền kinh tế phát triển trên thế giới đã và đang được đàm phán mở ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Được biết, trong thời gian tới các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ với các hiệp định FTA đang được đàm phán như: FTAEU-Việt Nam kết thúc đàm phán với nhiều cơ hội và thách thức khi 90% hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hưởng thuế suất 0% do đó xuất khẩu sang EU sẽ tăng 30 - 40%, nhập khẩu tăng 20-25% và hưởng lợi nhiều nhất là hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giầy dép.

Tính đến hết năm 2014, Yên Bái có tổng số 1.349 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên địa bàn. Tổng số tiền thuế các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước là trên 723 tỷ đồng, chiếm 56% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 23 nghìn người lao động với mức thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Mặc dù trong năm 2014, thông qua kết quả kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp trong tỉnh đã trưởng thành và phát triển hơn rất nhiều nhưng bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề như: đa số các doanh nghiệp đều có quy mô kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật, năng lực quản lý điều hành yếu, chưa có sự cạnh tranh cao và luôn bị động trước những biến động của thị trường; sự liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết lợi ích giữa các bên, thiếu sự đầu tư về chiều sâu của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư thì năng lực tài chính yếu, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đầu tư dàn trải dẫn đến chậm hoàn thành hoặc ngừng đầu tư…

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp ở Yên Bái chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập sẽ rất lớn. Trong đó, thách thức đối với ngành nông nghiệp là rõ rệt nhất, tỉnh cần tái cơ cấu lại nghành nông nghiệp, đào tạo nông dân theo tín hiệu và kỷ luật thị trường. Do đó giải pháp mà ông đưa ra là: Các địa phương cần đẩy mạnh dồn điển đổi thửa, chuyển sang canh tác trên quy mô lớn, liên kết doanh nghiệp nông nghiệp - ngân hàng - thu mua - xuất khẩu; chọn sản phẩm có thị trường, coi trọng chất lượng hơn số lượng, ít bán được còn hơn nhiều mà đổ đi; thực hiện các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kỷ luật thị trường rất khắc nghiệt nhưng cũng rất ủng hộ nông dân…

Dù nắm được những lợi thế, nhưng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất “năm ăn năm thua”. Cụ thể, chăn nuôi cũng nằm trong tình trạng nguy cấp vì 3 đối tượng chính là lợn, gà và bò cho thấy: chăn nuôi gà quy mô nhỏ không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt lẫn gà đẻ trứng nên dễ bị thua thiệt; chăn nuôi lợn Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi, song xu hướng tiêu dùng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang sử dụng thịt đông lạnh… Chính vì vậy, cả ngành chăn nuôi gà, bò và lợn có thể đứng trước nguy cơ bị thua thiệt.  

Trước cơ hội và thách thức đó, để cạnh tranh, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, không chỉ đầu tư vào “quan hệ”, ăn chênh lệch giá mà phải có chiến lược lâu dài; doanh nghiệp cần liên kết thành chuỗi, “biết người, biết mình”, hợp tác trên cơ sở hai bên cùng thắng; đầu tư vào nguồn nhân lực, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhãn, mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, vận dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thực hiện các thủ tục thuế, hải quan qua mạng… để doanh nghiệp chúng ta không chỉ “thắng” trên sân nhà mà cả trên sân khách!

Anh Dũng