Góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 9:38:10 AM

YBĐT - Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...". Trước kỳ Đại hội, cử tri Yên Bái đã có nhiều ý kiến tham gia vào Dự thảo.

Đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh:

Trong Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu: "... Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…"; "... Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân…".

Theo tôi, để góp phần làm tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đề nghị Đảng và Nhà nước cần bổ sung cơ chế, chính sách về chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng Tây Bắc cho phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới để phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi phía bắc, tập trung quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương. Làm rõ hơn nữa cơ chế phối hợp giữa Nhà nước - Mặt trận Tổ quốc đối với các cuộc vận động, các phong trào…

Để đổi mới và nâng cao hiệu quả, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp thì chất lượng cán bộ là một vấn đề hết sức quan trọng. Vì vậy, Đảng cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cho cán bộ làm công tác Mặt trận; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ ở cơ sở; tạo môi trường thuận lợi, để cán bộ Mặt trận yên tâm công tác; xây dựng tiêu chuẩn, chức danh, cơ chế, chính sách phù hợp, chú trọng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn như vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo.

Ông Đỗ Hồng Hải - đảng viên 50 năm tuổi Đảng, Chi bộ thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái:

Nghiên cứu cụ thể nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị, tôi cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ngoài ra, tôi đề nghị Dự thảo Báo cáo nên nhấn mạnh các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ đánh giá cao. Song, quá trình xử lý vẫn còn chậm, việc thu hồi tài sản chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, Đảng cần lãnh đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác này; có chế tài xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng để tăng sức răn đe, phòng ngừa tham nhũng, đồng thời kiên quyết thu hồi tiền, tài sản tham nhũng về ngân sách nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Oanh, thôn 3 xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn:

Qua nghiên cứu toàn văn các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy dự thảo báo cáo đã nêu cơ bản đầy đủ về các nội dung, bố cục chặt chẽ, hợp lý, phản ánh chân thực những kết quả, thành tựu của đất nước đạt được trong 5 năm qua.

Tôi xin tham gia góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tại mục VIII "Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội" đã nêu: "...Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước...".

Theo tôi, đây là phần giải pháp, nên cần có số liệu cụ thể, hàng năm có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới? Giải quyết việc làm cho bao nhiêu lao động? Tỷ lệ thất nghiệp chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu lao động...? Cần làm rõ thêm trách nhiệm của các cấp, ngành trong giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp. Cần có sự phân tích, đánh giá sâu hơn về hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư xã hội của Nhà nước trong 5 năm qua. Đặc biệt, cần làm rõ các hạn chế trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp hiện nay để có những điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng...

Q.N (thực hiện)