Ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/10/2015 | 9:43:57 AM

YênBái - YBĐT - An toàn thực phẩm (ATTP) là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tiêu dùng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của mỗi người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là: dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. WHO cảnh báo trong 20 năm tới, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57% (từ 14 lên 22 triệu); trong đó, Việt Nam được cho là nước có số ung thư tăng nhanh nhất thế giới, nguyên nhân chính là do các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp còn tồn dư trong thực phẩm.

Theo thống kê của Cục ATTP, nước ta, trung bình mỗi năm có từ 250 - 500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000 - 10.000 nạn nhân và 100 - 200 ca tử vong. Tại Yên Bái, trong 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 187 người mắc (trong đó có 3 trường hợp tử vong). So với cùng kỳ năm 2014, số vụ ngộ độc tăng 1 vụ, số ca mắc tăng 138 ca, số tử vong tăng 2 người. Toàn tỉnh đã thành lập 248 đoàn thanh, kiểm tra tiến hành thanh kiểm tra công tác vệ sinh ATTP ở 3.272 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; trong đó, phát hiện 634 cơ sở không đạt (chiếm 19,4%).

Thực tế hiện nay, người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, lo lắng bởi hàng ngày không thể không sử dụng thực phẩm trong khi ngày càng có nhiều các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán trên thị trường mà nếu chỉ quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm thì không thể phân biệt được. Các chất có hại cho sức khỏe con người không chỉ được sử dụng trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt mà còn cả trong xử lý, chế biến, bảo quản, sản xuất trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Để đảm bảo vệ sinh ATTP, mỗi người tiêu dùng hãy tự trang bị kiến thức, kỹ năng về vệ sinh ATTP và cách phân biệt các loại thực phẩm nhiễm độc và không nhiễm độc. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm như: bảo quản riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống; rửa tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh; không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn sử dụng; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm… thì hành động mà mỗi người có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và tử vong do ăn phải thực phẩm không an toàn gây ra là hãy cẩn trọng ngay từ khâu lựa chọn. C

ác mặt hàng khi mua cần phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất; không nên mua đồ rẻ bất thường, đồ tái sử dụng như các loại: dầu thực vật, mỡ động vật. Đối với các loại thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, rau xanh, củ quả cần có màu sắc tự nhiên, không có mùi lạ, không bị giập nát. Đối với thực phẩm chín, ăn sẵn chỉ nên mua ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo vệ sinh… Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về ATTP và vệ sinh ATTP ở các địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh ATTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm những vi phạm về ATTP và vệ sinh ATTP.                 

Hồng Oanh