Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: Tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật về hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2015 | 2:52:57 PM

YênBái - YBĐT - Góp ý vào dự thảo Luật về hội, đại biểu Đặng Thị Kim Liên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đồng tình với việc ban hành Luật về hội. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đại biểu, dự thảo Luật chưa phản ánh được thực tế đa dạng của các hội, chưa thể hiện được nguyên tắc “không phân biệt đối xử” giữa các hội hay các cá nhân khác nhau.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, theo đại biểu, dự thảo Luật chưa phản ánh được thực tế đa dạng của các hội, chưa thể hiện được nguyên tắc “không phân biệt đối xử” giữa các hội hay các cá nhân khác nhau.

Về điều kiện thành lập hội được quy định tại Khoản 6, Điều 10, dự thảo ghi “Có từ 3 công dân, pháp nhân Việt Nam đăng ký tham gia hội”, đại biểu Đặng Thị Kim Liên cho rằng, trong khi Điều 18 dự thảo luật ghi: cơ cấu tổ chức của hội có ban lãnh đạo, ban kiểm tra. Về nguyên tắc, đảm bảo tính khách quan thì ban kiểm tra của hội có ít nhất 3 người, với số lượng này thì chỉ nên quy định đó là tổ chức trực thuộc, tổ chức thành viên của hội có tư cách pháp nhân, nếu quy định là tổ chức trực thuộc thì không phù hợp vì đây là hội đơn nhất.

Để đảm bảo tính chất của hội đặc thù và các quy định về cơ cấu tổ chức, về quản lý hành chính và tài chính theo quy định của pháp luật số lượng tối thiểu thành lập hội là 7 công dân, trong đó có từ 3 công dân tự nguyện đăng ký là hội viên chính thức thường trực thực hiện hoạt động của hội, còn lại là hội viên liên kết hay hội viên danh dự.

Về đăng ký thành lập hội, cần đơn giản tối đa để việc thành lập hội thực sự chỉ là đăng ký và mang tính chất thông báo thay vì xin phép. Hội hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bị xử lý vi phạm nếu có theo quy định của pháp luật, do đó thay về phê duyệt thành công nhận Điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội.

Về cơ chế bảo vệ quyền tự do hiệp hội, khiếu nại, khiếu kiện và xử lý vi phạm, đại biểu Đặng Thị Kim Liên kiến nghị, tại Điều 33 dự thảo luật quy định về xử lý vi phạm một cách chung chung chưa có cơ chế bảo vệ quyền tự do hiệp hội của các cá nhân và các hội; trong khi đó điều 9 liệt kê các hành vi bị cấm là không rõ, tạo nguy cơ việc giới hạn tùy tiện quyền tự do hiệp hội của người dân. Do đó luật cần quy định cụ thể các giới hạn cũng như các loại hành vi vi phạm quyền tự do hiệp hội.

Thái Bình (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Yên Bái)