Khuyến học khuyến tài trong xã hội hiện đại

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/12/2015 | 9:27:02 AM

YênBái - YBĐT - Trong mọi giai đoạn lịch sử đất nước, khuyến học luôn được đề cao, theo tinh thần “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; học tập là gốc của giáo hóa và dân tộc ta luôn kiên trì nguyên lý đó để xây dựng một quốc gia văn hiến.

Phát huy truyền thống đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới công tác khuyến học, khuyến tài, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Do đó, hội khuyến học được thành lập từ trung ương tới tận địa phương, cơ quan, dòng họ, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài phục vụ xây dựng quê hương đất nước.

Nằm trong trào lưu phát triển chung đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 180 xã, phường, thị trấn có hội khuyến học, với 2.678 chi hội, ban khuyến học (tăng 31% so với năm 2010) với tổng số 132.249 hội viên, đạt tỷ lệ 16,9% dân số (tăng 30,7% so với với năm 2010).

Sự lớn mạnh của tổ chức hội khuyến học các cấp tỉnh Yên Bái là minh chứng sống động nhất cho mối quan tâm của toàn xã hội với công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh.

Có thể khẳng định, trong những năm qua hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh, đã hỗ trợ đắc lực trong công tác phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Những trường lớp khang trang, đã có phần đóng góp quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt mức tối đa và trong 5 năm qua, đã vận động 2.040 lượt học sinh bỏ học, có nguy cơ bỏ học ra lớp; người dân sẵn sàng hiến đất làm trường học; quy mô giáo dục toàn tỉnh ổn định với 589 trường, 6.706 nhóm, lớp và 193.693 học sinh ở các bậc học... đã cho thấy sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân với công tác khuyến học, tạo ra một phong trào học tập và phong trào ủng hộ cho khuyến học, khuyến tài rộng khắp các vùng, các địa phương trong tỉnh.

Chưa bao giờ công tác khuyến học lan tỏa rộng khắp như vậy. Các thầy cô giáo và học sinh, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu dạy tốt, học tốt; thầy cô tham gia khuyến học với tình thương và trách nhiệm từ những việc làm hàng ngày, nhờ vậy, hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các thầy, cô giáo đỡ đầu tại nhà trường

Nhiều nhà giáo mặc dù cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn vẫn tự nguyện bồi dưỡng, phụ đạo học sinh thêm giờ, thêm buổi không thu tiền; giáo viên nghỉ hưu tích cực tham gia khuyến học, khuyến tài cùng hội cựu giáo chức. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học ngày càng tăng với gần 16.000 gia đình. Dòng họ hiếu học cũng dần lớn mạnh với 340 dòng họ hiếu học.

Khuyến học khuyến tài trong xã hội hiện đại được phát huy từ truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc ta. Thông qua cuộc vận động toàn dân học tập, toàn dân tham gia phát triển giáo dục để thực hiện quan điểm xã hội hoá giáo dục; thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai cũng được học hành” và làm cho dân tộc Việt Nam "Phải trở thành một dân tộc thông thái”, để đất nước ta có đủ năng lực hội nhập quốc tế.

Thanh Ba