Đường mở từ lòng người dân Nga Quán

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/12/2015 | 9:51:19 AM

YBĐT - Đã hết cái thời xóm thôn úi sùi trong cảnh lầy lội mỗi khi mưa dầm gió bấc, đường vào các thôn của xã Nga Quán (Trấn Yên) hôm nay chẳng kém gì các khu dân cư sầm uất của thành phố Yên Bái.

Nhân dân thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán (Trấn Yên) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán (Trấn Yên) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đường mở ra tới đâu khoác lên xóm thôn màu áo tươi mới mang hình hài phố thị, chẳng thiếu những ngôi nhà cao tầng khang trang bạc tỷ. Nguồn sinh khí của chương trình nông thôn mới đang thổi vào địa phương làm hồi sinh nội lực trong mỗi gia đình.

Tôi không ngạc nhiên khi những cánh đồng màu ở Nga Quán mùa này chẳng mấy trù phú như nhiều địa phương làm nông nghiệp trong vùng. Ở nơi ruộng đồng manh mún, trằm chua và ngập úng quanh năm, cây lúa chủ yếu cấy 1 vụ như Nga Quán thì việc ngày một ít hơn lao động tham gia làm nông nghiệp là điều dễ hiểu.

Anh Tạ Duy Hiển, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp của xã cho biết: “Phần lớn lao động trong xã đang chuyển dần sang làm thêm các nghề phi nông nghiệp, chủ yếu là đi làm thuê, làm dịch vụ. Hiện xã Nga Quán đã có trên chục đội xây dựng, thu hút hàng trăm lao động nông nhàn của địa phương tham gia. Cũng bởi có thêm nghề “tay trái” này nên việc huy động lực lượng lao động có tay nghề tham gia kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) ở các thôn không còn là trở ngại”.

Lợi thế về nguồn lực trong huy động làm đường GTNT chẳng nơi nào giống nơi nào. Với Nga Quán, cách làm linh hoạt trong huy động sức dân kiên cố hóa đường GTNT đã tạo ra hiệu quả hơn cả mong đợi.

Vẫn phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng cái cách mà người dân ở Nga Quán tham gia đóng góp và quản lý công trình là hết sức rõ ràng, minh bạch. Ngoài số tiền mặt phải đóng góp là 400 nghìn đồng/ hộ để mua vật liệu xây dựng, người dân còn tham gia đóng góp bằng ngày công lao động: người già, trẻ nhỏ đóng góp bằng một nửa lao động chính; người hiến vườn, hiến ruộng..., cứ thế đường thôn mỗi ngày một thênh thang, nối dài.

Việc quản lý vật liệu và giám sát chất lượng công trình được ban giám sát của từng thôn đứng ra sát sao trông coi, quán xuyến. Trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân được đặt lên hàng đầu khi lợi ích riêng hòa cùng lợi ích chung của cộng đồng.

Để tận “mục sở thị”, tôi đến thôn Phúc Ninh - một trong hai thôn cuối cùng của xã hoàn thành kiên cố hóa đường GTNT. Khỏi phải nói người dân thôn Ninh Phúc vui đến thế nào khi con đường liên thôn dài gần 1km đang được bê tông hóa sắp sửa hoàn thành.

Dẫu phải đóng góp cao hơn nhân dân các thôn khác trong xã đôi chút do giá cả nguyên vật liệu trên thực tế cao hơn so với dự toán và dù phải hiến cả nghìn mét vuông đất ruộng, đất vườn cho thôn làm đường giao thông thì mỗi người dân ở đây vẫn rất phấn khởi, mãn nguyện.

Ông Nguyễn Đức Lộc - thành viên Ban giám sát làm đường của thôn hồ hởi bộc bạch: “Cái bà con yên tâm nhất là mình được trực tiếp tham gia làm, tham gia giám sát, tuy về thẩm mỹ không được đẹp như các công ty của Nhà nước làm nhưng tiết kiệm tối đa được chi phí mà chất lượng lại rất đảm bảo”.

Anh Trần Đức Ngọc - Trưởng thôn Ninh Phúc chia sẻ: “Nói thật, có nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ thì dân chúng tôi mới làm đường được đường kiên cố bền đẹp để đi. Mặc dù mới triển khai làm nhưng nhân dân nhiệt tình, tích cực nên tiến độ rất nhanh. Hơn cây số đường làm chưa đầy tuần đã xong. Sướng nhất bây giờ là đi từ đầu xã đến cuối xã thôn nào cũng đường bê tông, ô tô đến tận cổng. Thôn xóm khang trang, đẹp đẽ hẳn lên”.

Lòng dân rộng mở, phơi phới niềm tin đón nhận chủ trương mới của Đảng và Nhà nước nên Nga Quán không khó để hoàn thành tiêu chí về GTNT, với 2,7 km đường liên xã đạt chuẩn; số đường thôn được cứng hóa đạt 100%. Trong 3 năm (2013 - 2015), xã đã thực hiện kiên cố  hóa được 4,5km đường GTNT đạt chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải với tổng kinh phí 3,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Nga Quán hiện đã có trên 6,5km đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải, chiếm 86%. Với 1km đường đất còn lại thuộc thôn Hồng Thái dự kiến sẽ được triển khai năm 2016. Như vậy đến nay, hệ thống GTNT trên địa bàn xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới”.  

Rời Nga Quán, mang theo lòng nhiệt thành và niềm phấn chấn của người dân trước những đổi thay mạnh mẽ của quê hương, tôi thêm tin khi những nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương ở mảnh đất nghèo này đang năng động đổi thay, nhanh nhạy nắn bắt thời cuộc để chuyển đổi kinh tế  hiệu quả theo cơ chế và nhu cầu của thị trường. 

 Minh Thúy