Tân Nguyên nỗ lực xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/12/2015 | 2:39:10 PM

YBĐT- Tuy là xã miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng ngay sau khi có chủ trương của huyện về việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Tân Nguyên (huyện Yên Bình) đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các thôn mở nhiều cuộc họp tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Chương trình XDNTM đến nhân dân. Trong đó, bàn bạc, thống nhất về các tiêu chí XDNTM ở từng thôn để người dân nắm được và cùng nhau thực hiện.

Họp dân để phổ biến nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tân nguyên.
Họp dân để phổ biến nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tân nguyên.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau”, sau khi đã họp bàn và sự nhất trí cao của nhân dân, mỗi thôn trên địa bàn đều huy động dân tham gia những việc làm thiết thực, cụ thể như: hiến đất, góp tiền, góp của và công sức cho việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng…

Đến nay, Tân Nguyên đã đầu tư trên 10 tỷ đồng, cùng với sự đóng góp của nhân dân, xã đã bê tông hóa gần 3 km đường, có 4/13 thôn đã có đường bê tông hóa, mở mới nhiều tuyến đường liên thôn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Ngoài ra, xã còn huy động vốn xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế...

Chị Hoàng Thị Hoa - Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Hiện nay, Trạm Y tế xã đã được đầu tư xây dựng thêm một khu nhà sử dụng làm nơi khám, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.

Ở thôn Đông Ké, bà con đã tự nguyện hiến trên 3.000 m2 đất để làm đường giao thông mà không đòi hỏi bất cứ đền bù nào. Hiện nay, Đông Ké là một trong những thôn điển hình của xã về việc XDNTM. Riêng năm 2015, toàn thôn đã mở mới 2 km đường đất liên thôn.

Ông Sạch Văn Tràn - Trưởng thôn cho hay: “Ban đầu mới thực hiện Chương trình XDNTM, thôn cũng gặp không ít khó khăn nhưng rồi sau một thời gian triển khai thực hiện, nhân dân đã hiểu được ý nghĩa của việc XDNTM, từ đó đã tham gia tích cực”.

Ông Hoàng Đức Sáu đã tự nguyện hiến 540 m2 đất ruộng của gia đình để mở đường mà không đòi hỏi sự đền bù nào bởi ông nghĩ con đường là huyết mạch lưu thông, giúp bà con đi lại thuận lợi, giao thương hàng hoá, tạo thuận lợi cho các cháu học sinh đến trường học nhanh hơn.

Ông Sáu chia sẻ: “Gia đình tôi tuy ít đất nhưng khi có chủ trương làm đường giao thông, tôi đã vui vẻ hiến đất tạo thuận lợi cho việc mở đường. Nay đã có đường nhưng mới chỉ là đường đất, về sau bà con sẽ tiếp tục đóng góp công sức để bê tông hóa”.

Kinh tế là mục tiêu quan trọng trong Chương trình XDNTM, xã đã chỉ đạo nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất theo hướng hàng hoá, giúp nhân dân có thu nhập ổn định. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương như xây dựng các doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất các loại ván gỗ ghép thanh, gỗ bóc...

Sau 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, Tân Nguyên đã đạt được 7/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí XDNTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 25%.

Ông Hà Văn Chí - Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: “Sau 5 năm thực hiện chương trình, xã đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của để đến năm 2020, xã thực hiện đạt 15/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí XDNTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình xuống còn 4%/năm”.

Vàng Mai