Những điểm mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2016 | 9:56:25 AM

YBĐT - Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có 10 chương 98 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2015. Luật có một số điểm mới nổi bật:

Thứ nhất, Khoản 1, Điều 4, Luật quy định quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Quốc hội thay vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước đây. Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố trước chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (Luật cũ là 105 ngày).

Thứ hai, Khoản 2 và 3, Điều 8 của Luật quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Thứ ba, Luật quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập (Luật cũ gọi là Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập) có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ tư, Khoản 5, Điều 29 của Luật quy định những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiệm bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiệm bắt buộc. Như vậy, theo Luật này chỉ những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ năm, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, còn tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở các quy định Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình để bảo đảm chất lượng từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu.

Đức Toàn