Nghĩa Phúc: Phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/2/2016 | 3:03:55 PM

YBĐT - Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nên công tác tuyên truyền, vận động đã được xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) đặc biệt quan tâm.

Người dân xã Nghĩa Phúc tích cực tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn.
Người dân xã Nghĩa Phúc tích cực tham gia bê tông hóa giao thông nông thôn.

Cùng với kế hoạch và giải pháp cụ thể, đến nay, sau 5 năm thực hiện, Nghĩa Phúc đạt 11/19 tiêu chí XDNTM. Một trong những nội dung được địa phương triển khai và có chuyển biến rõ nét đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.  

Cùng với thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình, ban hành các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện, chú trọng triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào XDNTM, tập trung duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng thôn bản văn hóa, gia đình văn hóa..., công tác tuyên truyền đã trở thành việc làm thường xuyên trong các hội nghị Đảng, chính quyền các tổ chức chính trị - xã hội, các cuộc họp thôn, bản, triển khai quán triệt mục đích ý nghĩa, nội dung cơ bản Đề án XDNTM của xã.

Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Đồng chí Lò Văn Phan - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Do làm tốt công tác lập quy hoạch, xây dựng Đề án XDNTM, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị, xã hội vững mạnh, gìn giữ an ninh trật tự xã hội... nên qua 5 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn xã đã tạo sự chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.

Tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm thực hiện chương trình XDNTM ở Nghĩa Phúc là 59,174 tỷ đồng, bằng 28,2% nhu cầu vốn của đề án, chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn thị xã và nguồn xã hội hóa. Cụ thể: nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình XDNTM 16,428 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép 29.940 tỷ đồng, nguồn nhân dân đóng góp 14.806 tỷ đồng.
Từ năm 2011 đến nay, xã đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Hoàn thành 4,357 km đường bê tông nông thôn và cứng hóa 6,8 km kênh mương. Đến nay, hệ thống đường giao thông tuyến xã, kênh mương hóa nội đồng đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới, 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% hộ dân được sử dụng nước hợp về sinh...

Một trong những lĩnh vực có chuyển biến tích cực, rõ nét đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Với đặc thù là xã thuần nông, những năm qua, Đảng bộ xã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là trọng tâm, cốt lõi để XDNTM. Trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người dân.

Từ đó, Nghĩa Phúc đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành ưu tiên các nguồn vốn theo các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chương trình XDNTM để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Tập trung chỉ đạo sản xuất lúa hàng hóa, hàng năm, diện tích đất trồng lúa chất lượng cao (chiêm hương, séng cù) đạt trên 70%. Vận động nhân dân trồng cây vụ 3 (ngô đông, rau màu), thả cá xen lúa. Diện tích trồng cây vụ 3 đạt 75 - 80% diện tích đất 2 vụ lúa trở lên, diện tích cá xen lúa 2,5 ha trở lên.

Cùng với đó, coi trọng phát triển chăn nuôi gia súc. 5 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi là 941 triệu đồng. Một số mô hình hiệu quả như mô hình nuôi trâu sinh sản, nuôi lợn nái, nuôi dê... Hiện nay, tổng đàn trâu, bò, 150 con, đàn lợn hơn 1.200 con, trung bình tăng 8,5%/năm. Qua đó, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua giảm từ 5-7%/năm.

Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, Nghĩa Phúc quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ với 19 hộ kinh doanh hàng quán, 1 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 1 công ty sản xuất gạch, 4 hộ làm dịch vụ xay xát, 3 hộ kinh doanh vận tải...; từng bước phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt 70%. Kết hợp các giải pháp tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vay vốn phát triển sản xuất,... giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Cùng với nâng cao đời sống vật chất, người dân đã có ý thức cao với các phong trào chung, tiêu biểu là xây dựng làng, bản văn hoá.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong XDNTM, một bộ phận nhân dân của Nghĩa Phúc còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Tư duy trong phát triển kinh tế còn hạn chế, mang tính tự túc, tự cấp, manh mún, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Nguồn lực đầu tư của Nhà nước chưa tương xứng với nhu cầu, vốn đầu tư chủ yếu là các nguồn lồng ghép. Do vậy, thực hiện các hạng mục theo quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện các tiêu chí còn chậm. Đời sống kinh tế của nhân dân trên địa bàn còn khó khăn, thu nhập thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn tới 27%, trình độ dân trí chưa đồng đều, thu nhập và việc làm không ổn định. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" cũng hạn chế.

Một số tiêu chí đã đạt mới chỉ cập tiêu chuẩn cần tiếp tục nâng cao hơn về chất lượng, một số tiêu chí chưa đạt... Việc xây dựng các tiểu đề án nhỏ, phân công từng thành viên trong Ban quản lý phụ trách từng lĩnh vực, chế độ kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo, giao ban rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện còn hạn chế...

Phát huy sức mạnh đoàn kết trong hệ thống chính trị, thời gian tới, nhân dân các dân tộc trong xã đẩy mạnh huy động các nguồn lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế tập trung cho phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển văn hóa - xã hội gắn với thực hiện các mục tiêu đề án xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã Nghĩa Phúc trở thành xã nông thôn mới vào năm 2019.

Thành Trung