Tuyên truyền phải thiết thực, thường xuyên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2016 | 9:46:20 AM

YBĐT - Năm nay là năm đầu tiên tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” đã được Bộ Công Thương lựa chọn cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016.

Đây là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại trung ương; UBND các tỉnh, thành phố chủ trì các hoạt động tại địa phương. Nhiều hoạt động diễn ra trong dịp này nhằm tạo sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh...

Khi nền kinh tế phát triển ngày càng mạnh mẽ và xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo vệ người tiêu dùng cũng đứng trước nhiều thách thức. Bất cứ một hoạt động nào cũng chỉ có thể bền vững thực chất khi chính các chủ thể của hoạt động đó nắm vững, hiểu chắc về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Như vậy, tất cả các hoạt động tuyên truyền đều phải hướng đến mục tiêu là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của họ.

Hiện nay, công tác tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu tập trung tại các thành phố, thị xã, huyện lỵ, siêu thị, trung tâm thương mại... chứ chưa đến được nhiều với tuyến xã, địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, không ít loại hàng hóa kém chất lượng, hết hạn sử dụng... thường được đưa về tiêu thụ tại các chợ xã, địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa - nơi trình độ dân trí chưa đồng đều và còn thiếu thông tin.

Công tác tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không thể chỉ đẩy mạnh trong dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam hàng năm, mà cần chú trọng quan tâm đến công tác này một cách thường xuyên hơn, liên tục hơn.

Bên cạnh đó, việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền một cách đồng bộ, phù hợp cùng với yêu cầu tuyên truyền phải thiết thực, tránh hình thức được đặt ra cao hơn. Phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trước đến nay, cũng cần có thêm những hình thức tuyên truyền khác phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng, từng thời điểm...

Sự tiếp nhận nội dung thông tin từ nhiều hình thức tuyên truyền và mức độ tuyên truyền đậm nét, dày đặc cũng là một yếu tố tác động hiệu quả tới nhận thức của người tiêu dùng. Một trong những đối tượng cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền này là học sinh, sinh viên trong các trường học. Vấn đề sẽ được giải quyết ngay từ gốc rễ, bền vững, lâu dài khi các em sớm được trang bị những kiến thức cần thiết đối với thực tế của một xã hội, một nền kinh tế ngày càng phát triển.

Quyền lợi của người tiêu dùng chỉ thực sự được bảo vệ hiệu quả nhất nếu bản thân mỗi người hiểu biết sâu sắc về quyền và nghĩa vụ của mình. Thiết thực, linh hoạt, phù hợp về nội dung thông tin và không hình thức, không hô hào, không chỉ sôi động những dịp kỷ niệm... mà là thường ngày, gần gũi, liên tục thì công tác tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được chính người tiêu dùng ghi nhớ và thực hiện hiệu quả.

Nguyễn Thơm