Điểm dừng chân của các nhà đầu tư Hàn Quốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2016 | 10:05:33 AM

YBĐT - Những năm qua, nhiều nhà đầu tư đã chọn Yên Bái làm điểm dừng chân; trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực may mặc của Hàn Quốc.

Nhà máy May do Công ty May xuất khẩu DeaSung Global của Hàn Quốc đầu tư tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã đi vào hoạt động.
Nhà máy May do Công ty May xuất khẩu DeaSung Global của Hàn Quốc đầu tư tại Cụm công nghiệp Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã đi vào hoạt động.

Với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư, trong những năm qua có nhiều nhà đầu tư chọn Yên Bái làm điểm dừng chân. Trong đó, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực may mặc của Hàn Quốc đầu tư tại Yên Bái làm ăn hiệu quả, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.

Với lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực dồi dào, những năm gần đây Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhất là trong lĩnh vực may mặc công nghiệp. Hàng loạt các nhà máy may công nghiệp quy mô lớn “đổ bộ” vào tỉnh Yên Bái đang hoạt động hiệu quả. Công ty TNHH DaeSeung Global - một doanh nghiệp của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu đã lựa chọn Cụm công nghiệp Thịnh Hưng (Yên Bình) làm địa điểm đầu tư.

Với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD, Nhà máy chuyên sản xuất, gia công các loại sản phẩm như quần, áo, áo khoác trùm, áo liền quần... với công suất 1,5 triệu sản phẩm/năm. Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục đầu tư.

Nhờ đó, đầu năm 2014, Nhà máy đã có toàn bộ cơ sở hạ tầng để thực hiện dự án. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi khởi công, Nhà máy đã xây dựng xong giai đoạn 1 và đã đi vào sản xuất. Năm 2015, Nhà máy sản xuất trên 500.000 sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ đồng. Những tháng đầu năm nay, Nhà máy đã sản xuất được trên 250.000 sản phẩm. Nhờ hoạt động có hiệu quả, Công ty đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nông Thị Loan - một trong những công nhân may tại Công ty chia sẻ: “Từ ngày làm công nhân may ở đây, cuộc sống tương đối ổn định. Thu nhập tuy chưa cao nhưng  bảo đảm cuộc sống. Quan trọng hơn là các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản được Công ty đảm bảo. Nhờ vậy, em rất an tâm khi được làm việc tại đây”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Ju Shin - Quản lý Công ty cho biết: “Chúng tôi chọn Yên Bái làm điểm đầu tư, bởi nơi đây có tuyến giao thông thuận lợi, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Cùng với đó, chúng tôi không chịu sự cạnh tranh của các công ty khác, lao động ở đây dồi dào và chi phí thấp. Hiện nay, Công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất. Nếu như tuyển dụng được lao động, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng dây chuyền hoạt động, đồng thời, tạo việc làm cho 3.000 công nhân lao động với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng”.

Công nhân làm việc tại Nhà máy May xuất khẩu ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) do Công ty TNHH quốc tế Vina KNF Hàn Quốc đầu tư.

Một “ông lớn” khác trong lĩnh vực may mặc  là Công ty TNHH quốc tế Vina KNF Hàn Quốc cũng chọn Yên Bái là địa điểm đầu tư. Nhà máy May xuất khẩu tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên do Công ty TNHH quốc tế Vina KNF Hàn Quốc đầu tư được khởi công xây dựng tháng 1/2015 với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Nhà máy vừa đi vào vận hành hồi đầu tháng 2/2016. Sản phẩm chính của Nhà máy là sản xuất quần áo veston xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Châu Mỹ và các trang phục dệt kim, đan móc khác với công suất trên 16 triệu sản phẩm/ năm.

Sau khi đi vào hoạt động ổn định, Nhà máy sẽ thu hút trên 2.500 lao động. Trong quá trình đến đầu tư xây dựng, Nhà máy được hưởng các chính sách thu hút đầu tư khá cụ thể và được sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền trong suốt quá trình thực hiện Dự án.

Ông Vũ Ngọc Khánh - Quản lý Công ty cho biết: “Với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư tốt, đầy đủ, luôn sẵn sàng đáp ứng ở mức cao nhất cho các doanh nghiệp, đó là lý do chúng tôi đặt Nhà máy tại Yên Bái”. Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án tại đây, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo UBND tỉnh và các ban ngành cũng như chính quyền địa phương nên đã sớm đi vào hoạt động. Trong quá trình tuyển dụng lao động, Công ty cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ và tuyển dụng được lao động theo nhu cầu” - ông Khánh cho biết thêm.

Sự hiện diện của các nhà đầu tư Hàn Quốc trên lĩnh vực may mặc tại tỉnh Yên Bái đã tạo ra một “cú huých” mới cho sự phát triển công nghiệp nhẹ của tỉnh. Bên cạnh việc khẳng định vị trí, thương hiệu của mình, các doanh nghiệp may mặc đang là nơi tạo ra hàng chục nghìn việc làm cho người lao động địa phương.

Văn Thông