Cần thay đổi tư duy trọng “thầy” hơn trọng “thợ”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/5/2016 | 9:37:55 AM

YBĐT - Đến cuối tháng 3/2016, cả nước có 192.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp. Thực trạng này, khiến nhiều người suy nghĩ, nhất là khi mùa thi cao đẳng, đại học năm nay lại đang đến gần.

Công ty TNHH Hòa Bình sở hữu đội ngũ nhân viên kỹ thuật có chuyên môn cao. Ảnh MQ
Công ty TNHH Hòa Bình sở hữu đội ngũ nhân viên kỹ thuật có chuyên môn cao. Ảnh MQ

Thất nghiệp đang là thực tế, nhất là khi các địa phương đang quyết liệt thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo nghị quyết của Chính phủ. Vì vậy, không chỉ những sinh viên mới tốt nghiệp (không kể những sinh viên xuất sắc) mà những người nằm trong bộ máy Nhà nước, nếu không đủ bằng cấp, năng lực, trình độ cũng có thể bị loại.

Tôi có anh bạn làm việc tại một cơ quan có nguy cơ giải thể. Trước tình hình trên, anh đã nộp đơn xin việc tại nhiều nơi, tuy nhiên, anh chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do bởi vì anh… có bằng tiến sỹ! Những đơn vị anh xin đều là cơ quan chuyên môn, không phải trường đại học lớn hay viện nghiên cứu nên khó phát huy trình độ, bằng cấp của anh.

Từ câu chuyện đó và suy nghĩ rộng chuyện xã hội mới thấy, trong xã hội ta lâu nay vẫn quan niệm làm "thầy" hơn làm “thợ”, từ đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Cả xã hội luôn quan niệm, làm “thầy” sẽ được tôn trọng hơn, cao quý hơn, có cơ hội trở thành cán bộ, công chức, có công việc, Nhà nước trả lương đến lúc về hưu, cuộc sống ổn định, thảnh thơi.

Còn làm thợ, làm anh công nhân thu nhập thấp, bấp bênh. Vì vậy, mới có chuyện, con cái khi lớn lên “bằng mọi giá” phải vào đại học, dù gia đình có phải khánh kiệt. Mà không biết, làm một “thợ” giỏi có khi còn hơn cả chục “thầy” bình thường!

Cùng nhận thức, còn có nguyên nhân khách quan thuộc về quản lý, về tầm vĩ mô. Không như thời trước, tốt nghiệp THPT, vào được đại học được ví như “cá vượt vũ môn”. Còn bây giờ, các trường đại học quá nhiều, quá nhiều khoa ngành, trong khi đó, nhiều trường chất lượng chưa được kiểm nghiệm.

Và, học sinh vào đại học dễ dàng hơn cả vào cấp 3 vì cứ đi thi không có điểm liệt là có trường tuyển sinh. Còn nếu thấp hơn, học cao đẳng cũng rất dễ để liên thông lên đại học. Vì vậy, một đại biểu trong một kỳ họp Quốc hội đã chua chát nhận xét: “Cửa đại học càng rộng mở, thì cơ hội tìm việc làm càng thu hẹp”.

Sinh viên tốt nghiệp đại học nhiều, nhưng nghịch lý, chất lượng nguồn nhân lực lại là vấn đề. Như nhiều địa phương, Yên Bái được coi là nơi có nguồn nhân lực dồi dào, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vào địa phương rất khó tận dụng được nguồn lực này bởi họ cần những thợ có trình độ, những công nhân lành nghề, có thể đáp ứng ngay dây chuyền sản xuất. Nhưng thực tế, rất khó tìm được số lượng lớn, nếu có sử dụng, doanh nghiệp phải đào tạo lại.

Kỳ thi năm nay đã tới gần, điều đáng mừng, qua tìm hiểu tại một số trường THPT trong tỉnh cho thấy, việc học sinh lựa chọn đại học là con đường duy nhất cho tương lai không còn là số đông. Qua thống kê, tỷ lệ hồ sơ thi tốt nghiệp và xét cao đẳng, đại học chỉ chiếm 40 - 50%, thậm chí có trường chiếm 30%. Tỷ lệ này giảm rất nhiều so với những năm trước. Điều này cho thấy, nhận thức của các em cũng như cha mẹ học sinh đã có sự thay đổi.

Đất nước đang thời kỳ CNH - HĐH, Yên Bái cũng đang thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, điều này đồng nghĩa chúng ta đang cần nguồn nhân lực thực sự có chất lượng, đó là có tri thức và trình độ tay nghề cao để phục vụ sự nghiệp đó. Vì vậy, trước thực tế xã hội, trước hoàn cảnh của mình, mỗi học sinh, mỗi gia đình hãy chọn cho mình và con em mình một sự lựa chọn phù hợp, đừng cố học làm thầy để thất nghiệp gia tăng. Đã đến lúc, cần thay đổi tư duy.

“Thầy” hay “thợ” không quan trọng, miễn nghề đó có ta cuộc sống ổn định và góp phần đóng  góp vào sự nghiệp chung của quê hương, đất nước!

Nguyễn Đình