Anh Năm nuôi lợn sạch

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2016 | 3:11:37 PM

YBĐT - Tìm cho mình hướng đi riêng trong chăn nuôi, anh Hà Văn Năm ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi 100 con lợn thịt với phương châm “Nói không với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi”.

Anh Hà Văn Năm chăm sóc đàn lợn.
Anh Hà Văn Năm chăm sóc đàn lợn.

Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng anh Năm xây dựng gia đình với 2 bàn tay trắng. Mạnh dạn vay vốn, anh chị bàn nhau mua 5 con lợn giống về nuôi thử. Anh Năm giãi bày: “Tôi làm nông từ nhỏ, học hành cũng không được giỏi giang nên chỉ biết đi theo nghề nông thôi. Hơn nữa, tôi nghĩ, thịt lợn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, đầu tư vào nó ắt sẽ có triển vọng”.

Gặp thất bại khi đàn lợn còi cọc, chậm phát triển, nhưng không nhụt chí, anh chủ động đến các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn thành phố để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời, tự nghiên cứu, mày mò trên sách, báo, ti vi, đặc biệt là chương trình “Bạn của nhà nông” trên VTV2. Rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu được anh cẩn thận ghi chép lại vào cuốn sổ tay nhỏ.

Thêm vào đó, khi xã, phường mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh đều hăng hái, tích cực tham gia. Những kiến thức, kinh nghiệm khi ấy đã góp phần làm nên thành công của anh hiện nay. Bây giờ, thậm chí chỉ cần nghe tiếng thở bất thường từ đàn lợn, anh cũng có thể biết chúng đang mắc bệnh gì, nhờ đó, quy mô đàn lợn được nhân lên đáng kể.

Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, lại ít vốn nên chuồng trại cũng đơn giản. Sau 10 năm, anh đã xây dựng và mở rộng quy mô chuồng trại lên đến 250 m2 chia thành 20 ô, mỗi ô có thể nuôi từ 15 - 20 con. Nuôi được vài lứa, nhận thấy nếu không chủ động được con giống sẽ rất bất cập, mua giống ở ngoài lại lo không đảm bảo chất lượng nên anh đầu tư nuôi 8 con lợn nái. Anh cũng xác định, muốn chăn nuôi thành công, ngoài chủ động được con giống thì phải có được con giống tốt. Lợn nái đẻ con, anh không bán giống mà để nuôi toàn bộ. Vì thế, anh đặc biệt quan tâm chăm sóc lợn mẹ bằng cách tăng cường khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa, gió lùa.

Đồng thời, tiêm đầy đủ 5 mũi vắc-xin gồm: phòng chống bệnh tai xanh, lở mồm long móng, xuyễn, chống còi cọc và dịch tả. Từng bước gia đình anh đã phát triển đàn lợn lên hơn 120 con lợn thịt.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, anh đúc kết, chỉ có chăn nuôi sạch, khép kín thì mới có lãi và an toàn. Đối với anh, con vật cũng như con người, nó cũng cần một môi trường sống và nguồn thức ăn tốt, có như vậy mới phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh. Do chủ động được con giống khỏe, tự nấu thức ăn bằng cách thu gom thức ăn thừa từ các nhà hàng, nấu thêm với rau bon, chuối, cám ngô, cám gạo… nên đàn lợn nhà anh Năm lúc nào bán cũng được giá, chênh hơn 4 - 5 giá so với lợn nuôi bằng cám công nghiệp.

Anh Năm chia sẻ: “Tôi cho lợn ăn 2/3 là thức ăn tự nhiên, chỉ 1/3 là cám công nghiệp. Khi lợn đạt 50 - 60 kg thì ngừng sử dụng vắc-xin và cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên, để khi lợn đạt 90 -100 kg là thải hết kháng sinh tiêm trước đó nên thịt rất chắc, ngon và an toàn”.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, anh đã đầu tư hệ thống hầm biogas. 100% chất thải đều được xả xuống hầm, thậm chí qua thêm bể áp và bể chứa dung tích 20 m3 rồi mới thải ra môi trường. Mỗi lần xuất chuồng, anh đều tiến hành khử trùng quét vôi, sau 7 - 10 ngày mới nuôi lứa mới, tạo điều kiện cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển ổn định.

Với cách nuôi của anh Năm thì thời gian xuất chuồng lâu hơn, thường mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, trong khi nuôi toàn bộ bằng cám công nghiệp, trung bình một năm xuất 4 lứa. Tuy nhiên, việc nuôi lợn sạch tạo được uy tín trên thị trường, tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, giá thành lại cao hơn và đầu ra luôn ổn định.

Riêng 4 tháng đầu năm 2016, anh Năm xuất gần 2 tấn lợn hơi ra thị trường, trừ chi phí sản xuất, anh thu về gần 50 triệu đồng. Hiện tại, anh Năm đang tiếp tục nhân đàn, dự kiến sẽ nuôi thêm lợn nái và mở rộng quy mô nuôi lợn thịt lên 200 con.

Với sự mạnh dạn, đổi mới trong tư duy sản xuất, năm 2014, anh Năm được UBND thành phố Yên Bái tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất và kinh doanh. Đối với anh Năm, trong chăn nuôi không chỉ là tăng năng suất mà phải đi đôi với tăng chất lượng sản phẩm, có như vậy, nguồn tiêu thụ mới đảm bảo và đó cũng mới chính là cơ hội để làm giàu.

Hoài Anh