Giáo dục kỹ năng - vì cuộc sống an toàn cho trẻ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2016 | 9:23:50 AM

YBĐT - Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có 900 nghìn trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2014, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị TNTT các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng...

Tại Yên Bái, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), năm 2014 có 131 trường hợp trẻ em bị TNTT, trong đó có 20 trẻ đuối nước; năm 2015, toàn tỉnh có 120 trường hợp trẻ em bị TNTT, trong đó có 9 trẻ tử vong do đuối nước.

Chỉ tính hơn 10 ngày đầu tháng 5/2016, cả nước liên tục xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, điển hình như vụ 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại Long An; 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong ngày 4/5 tại Khánh Hòa; 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển ngày 8/5 tại Nam Định…

Có nguyên nhân do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhưng nguyên nhân chính khiến TNTT ở trẻ gia tăng chủ yếu trong dịp hè là do trẻ chưa được giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện cách bảo toàn mạng sống, ứng biến khôn ngoan trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hay tai nạn bất ngờ.

Những tai nạn xảy ra thời gian qua hậu quả sẽ không lớn nếu trẻ biết cách tự phòng, tránh cho mình. Trên hết, gia đình chính là ngôi trường tốt nhất để dạy kỹ năng sống cho trẻ. Để trẻ có cuộc sống an toàn, có được kỹ năng sống cần thiết, ngay khi ở nhà, các bậc phụ huynh có thể rèn luyện cho trẻ bằng những cách đơn giản, như: tạo bài học tình huống để trẻ học cách phản ứng, phải làm gì trong từng hoàn cảnh như: lạc đường, hỏa hoạn, sơ cứu vết thương, gặp người lạ rủ rê, nhận biết đường điện nguy hiểm…

Một kỹ năng phổ biến, thậm chí nhiều phụ huynh cho rằng bắt buộc phải có ở trẻ đó chính là biết bơi. Lựa chọn cho con học bơi, không chỉ giúp trẻ có sức khỏe tốt mà còn có thể tự vệ hay như làm thế nào để cứu bạn đuối nước…

Cùng giáo dục trong gia đình, thay vì nhốt trẻ ở nhà để dễ quản lý, các bậc phụ huynh còn có thể đưa trẻ đến trung tâm, lớp học kỹ năng sống. Tại đây, trẻ sẽ được dạy các kỹ năng sống cơ bản, khoa học, có những bài học, trải nghiệm mới mẻ thông qua hoạt động thực tế như: trồng trọt, thu hoạch nông sản để biết quý trọng thức ăn, sức lao động; tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội”, “Chúng em học làm chiến sỹ công an” để rèn luyện tính kỷ luật, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước; tự làm đồ chơi để học tính sáng tạo; tập trồng cây, nuôi thú để biết bảo vệ môi trường, yêu thương động vật, yêu thiên nhiên…

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi trẻ đang bước vào một kỳ nghỉ hè mới. Gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhất là tổ chức Đoàn, Đội ở cơ sở cần phối hợp để cùng chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ hiệu quả để vừa ngăn chặn được những tác động tiêu cực, tai nạn và tệ nạn xã hội, vừa tạo cho trẻ những điều vui tươi, sân chơi bổ ích.

Mai Linh