Phát hiện thêm một hành tinh lùn mới nằm trong hệ Mặt Trời

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2016 | 8:31:17 AM

Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế vừa thông báo đã phát hiện một hành tinh lùn mới nằm trong hệ Mặt Trời.

Khám phá này có thể góp phần hỗ trợ cho công cuộc tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về hệ Mặt Trời.

Hành tinh mới được Hiệp hội Thiên văn học quốc tế gọi là RR245, quay quanh Mặt Trời 700 năm/lần và có đường kính bằng 1/3 sao Diêm Vương - thiên thể bị loại bỏ khỏi danh sách các hành tinh “đích thực” trong hệ Mặt Trời và bị “giáng xuống” thành hành tinh lùn hồi năm 2006.

Đội nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện RR245 hồi tháng Hai vừa qua, sau khi xem xét các hình ảnh được kính thiên văn chụp lại như một phần trong Chương trình Khảo sát nguồn gốc của phần ngoài hệ Mặt Trời (OSSOS).

Các nhà nghiên cứu nhận định những khám phá này cho thấy sao Diêm Vương còn có nhiều anh em trong vũ trụ và chúng là “những mảnh ghép trong lịch sử hình thành hệ Mặt Trời."

Hành tinh lùn là một khái niệm được sử dụng để phân loại các thiên thể trong hệ Mặt Trời do Hiệp hội Thiên văn học quốc tế đưa ra hồi năm 2006.

Những thiên thể được coi là hành tinh lùn phải đồng thời đáp ứng 4 yếu tố gồm: có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời; có khối lượng đủ lớn để cấu trúc thành khối gần như hình cầu; có vật thể khối lượng đáng kể khác gần quỹ đạo của nó và không phải là vệ tinh của một hành tinh trong hệ Mặt Trời.

(Theo TTXVN)