Đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 23/7/2016 | 8:38:51 AM

Sáng 22/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho Văn phòng Chính phủ của Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh”.

Tại Hội thảo, Phó chủ nhiệm VPCP, ông Lê Mạnh Hà đánh giá, thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh, đầu tư.

Ông Hà cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng với Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, kinh doanh.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định cho biết, theo số liệu của VCCI, có khoảng 37 luật về đầu tư kinh doanh cần phải được sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật chuyên ngành gồm có: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoa học công nghệ, Các luật về Thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở…

Theo đề xuất của VCCI nên bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như các dịch vụ: đào tạo đại lý bảo hiểm; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần; mua bán nợ; việc làm; bảo hành bảo dưỡng xe ô tô; sát hạch lái xe ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành nhà chung cư; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng dùng chung; nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện; truyền hình theo yêu cầu; đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu; đào tạo đánh giá dự án đầu tư; chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…

Ông Tuấn cho rằng, việc dùng một luật sửa nhiều luật như kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sẽ tránh được tình trạng chồng chéo.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng việc xây dựng Luật này sẽ gặp nhiều thách thức. Nhưng vì rất nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nằm rải rác trong các luật khác, gây ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp, điều đó trái với mục mục tiêu cao nhất là các luật cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kinh doanh, nên cần kịp thời sửa đổi cho phù hợp./.

(Theo ĐCSVN)