YênBái - 71 năm đã trôi qua nhưng mỗi dịp tháng Tám mùa thu về, trong mỗi chúng ta lại dâng trào cảm xúc về cuộc cách mạng “long trời lở đất”, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Tự hào về quá khứ, lại thấy bài học về lòng dân, sức dân từ cuộc cách mạng ấy vẫn nóng hổi trong thời cuộc hôm nay…
Diễu hành biểu dương lực lượng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/2015).
|
Bắt đầu từ dân, có dân có tất cả
Trong lịch sử Việt Nam, từ đặc điểm sinh tồn và chấn hưng dân tộc, cha ông ta đã tổng kết: có dân là có tất cả; an dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; việc cương thường muôn thuở là ở lòng dân. Có dân, có niềm tin của dân là có sức mạnh dời non lấp bể. Các vị minh quân, trung thần qua các triều đại luôn coi trọng, đề cao dân - dân vi bản, vi quý.
Vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long là bởi: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Lý Thường Kiệt cũng nói: “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân”. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì lấy: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi luôn xem: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”… Tiếp nối và phát triển truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vị trí của dân không chỉ là gốc, là quý nhất mà dân còn là chủ và làm chủ. Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 7 thập kỷ, sau ngày Bác Hồ về nước, vận động phong trào cách mạng ở Cao Bằng để phát triển rộng ra cả nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác trả lời: “Bắt đầu từ dân, có dân sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả”.
Nói về thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhiều người đã nói tới tầm nhìn, sự quyết đoán của Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ trong chớp thời cơ và quyết tâm của cả dân tộc với tinh thần “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”… Nhưng còn có một cội nguồn rất quan trọng nữa, đó là: "Sự thúc giục của lòng dân và sức dân như “nước vỡ bờ”. Hay nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: “Ý chí nhân dân thúc giục lãnh đạo hành động”.
Ông Lê Trọng Nghĩa, một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, sinh thời từng kể lại rằng: “Sở dĩ Hà Nội quyết định hành động trước khi nhận được lệnh của Trung ương vì lẽ chính nhân dân đã thức tỉnh, tác động vào những người lãnh đạo. Buổi sáng 17-8-1945, khi cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức triệu tập tại Nhà hát Lớn với mục đích được thông báo là để ủng hộ chính phủ thân Nhật thì những người lãnh đạo của Hà Nội chỉ chủ trương đả phá mục tiêu đó. Nhưng chính diễn biến của sự kiện, đặc biệt là ý chí của người dân đã tác động sâu sắc vào quyết định của lãnh đạo.
Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang vào buổi sáng còn đắn đo bao nhiêu nhưng sau khi chứng kiến sự kiện và gặp gỡ nhân dân thì đến buổi chiều hăng hái, quyết tâm hành động bấy nhiêu”. Ông khẳng định: “Chính vì nắm bắt được mạch đập của dân mà người lãnh đạo đã thành công trong một sứ mệnh tưởng chừng vô cùng khó khăn, trong khi mọi sự lưỡng lự hay dao động vào thời điểm này có thể làm thời cơ vượt qua trong khoảnh khắc của lịch sử”.
Lòng dân, sức dân đã làm nên kỳ tích của cuộc cách mạng. Lòng dân là khát khao độc lập, tự do, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa dân tộc, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa… Sức dân là ý chí, hành động của hàng chục triệu quần chúng được giác ngộ, với ý thức giành chính quyền cho mình và của mình để rồi xây dựng chính quyền mưu lợi cho hạnh phúc của chính mình. Lòng dân, sức dân ấy đã chuyển hóa thành sức mạnh vô địch, với tinh thần dũng cảm, sáng tạo, xông lên cứu nước, cứu nhà. Điều đó lý giải tại sao, Đảng bộ Hà Nội đã quyết định Tổng khởi nghĩa vào lúc chưa nhận được bản Quân lệnh số 1 phát ra từ Chiến khu Tân Trào cách đó mấy ngày. Sài Gòn cũng vậy, khi quyết định nổi dậy giành chính quyền thì vẫn chưa nhận được chỉ thị của Trung ương. Nhưng lòng dân sục sôi, khí thế cách mạng dâng trào, cộng với tin từ Hà Nội và nhiều địa phương khác đã khiến lãnh đạo quyết khởi nghĩa và đầu não chính trị phía Nam đã giành được chính quyền vào ngày 25-8.
Chính vì lãnh đạo nắm được mạch đập của dân với lòng dân, sức dân đã sẵn sàng, mà làm nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại ấy.
Quốc bảo lòng dân, sức dân
Chỉ khi nào những người lãnh đạo nắm được lòng dân, tin vào sức mạnh của dân thì đường lối đúng đắn mới trở thành hiện thực trong cuộc sống. Đó là bài học lớn từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Dân vận toàn quốc mới đây đã nhắc lại bài học của cha ông: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền được”. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng khẳng định: “Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc... Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam”.
Mùa thu 71 năm trước, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa thành công. Sau đó, trong thử thách ngặt nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền non trẻ, chúng ta vẫn vượt qua một cách ngoạn mục. Đó là bởi, chúng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, sức mạnh của nhân dân. Là bởi chúng ta có những người lãnh đạo liêm chính, Chính phủ hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân. Đúng như tuyên bố của người khai sinh ra nước Việt Nam mới: Chính phủ Hồ Chí Minh cam kết sẽ là Chính phủ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Kinh nghiệm và bài học lịch sử ấy tiếp sức cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính hiện nay.
(Theo Quân đội nhân dân)