"Vượt đèn vàng" và vấn đề an toàn giao thông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/8/2016 | 8:14:33 AM

YBĐT - Như chúng ta đã biết, kể từ ngày 1/8/2016, theo Nghị định 46 của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau.

Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với mức quy định cũ: đối với mô tô và xe gắn máy, mức xử phạt là 400.000 đồng, đối với xe ô tô từ 1,2 triệu đồng tới 2 triệu đồng, còn theo Nghị định 171 trước đây với ô tô,  lỗi này bị phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng.

Được biết, Luật Giao thông đường bộ quy định: người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông: tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa số người dân đồng tình với việc xử phạt vượt đèn vàng để giảm tốc độ khi gặp đèn tín hiệu và hạn chế tai nạn giao thông.

Song, nên xử phạt lỗi vượt đèn vàng thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ hoặc chỉ nên nhắc nhở các chủ phương tiện bởi từ trước tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông ít xử phạt lỗi này nên người dân chưa quen, nếu có cũng chỉ là nhắc nhở nhân dân chấp hành các quy định về giảm tốc độ qua các ngã ba, ngã tư và cấm vượt đèn đỏ mà thôi.

Một số khác lại cho rằng, hiện nay người dân không chỉ vượt đèn vàng mà còn tùy tiện vượt đèn đỏ rất nhiều. Vì thế, phải xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm, kể cả lỗi vô ý hay cố ý vượt đèn vàng như Nghị định 46 đã quy định để tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông khi tham gia giao thông trên đường và có ý thức chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ tai nạn và va quệt giao thông xảy ra do người dân vội vã vượt đèn vàng, thiếu quan sát, không chú ý tới các hướng giao thông xung quanh. Do đó, thực hiện nghiêm Nghị định 46 của Chính phủ sẽ giúp người tham gia giao thông ý thức và tuân thủ nguyên tắc phải giảm tốc độ khi đến gần nút giao, đảm bảo an toàn cho cả người và phương tiện. Đồng thời, chủ động hơn khi phải dừng xe, giảm thiểu được các vụ va chạm và tai nạn giao thông đáng tiếc.

Ngoài quy định về việc xử phạt người tham gia giao thông vi phạm tín hiệu đèn vàng thì Nghị định 46 còn quy định xử phạt đối với người nghe điện thoại khi đang đi xe máy và các loại xe tương tự mà sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ máy trợ thính) sẽ bị phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng thay vì chỉ bị phạt mức tiền từ 60.000 đồng - 80.000 đồng như trước đây.

Hương Hà