Yên Bái: “DCI” thách thức các sở, ban, ngành và địa phương

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2016 | 1:40:35 PM

YBĐT - Với phương pháp khảo sát, đánh giá khách quan thông qua chấm điểm, phân xếp loại năng lực điều hành theo điểm tổng hợp một cách nghiêm túc thì các chỉ số đặt ra sẽ là thách thức với các sở, ban, ngành địa phương ở tỉnh Yên Bái.

Bộ phận một cửa của Chi cục Thuế thành phố Yên Bái tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế đến giao dịch.
Bộ phận một cửa của Chi cục Thuế thành phố Yên Bái tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế đến giao dịch.

Cùng với triển khai Chương trình hành động “Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Yên Bái” giai đoạn đoạn 2015 - 2020, ngày 3/6/2016, UBND tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 1059/QĐ-UBND về ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DCI) tỉnh Yên Bái. Đây thực sự là giải pháp mang tính hiệu quả và đồng bộ để cải thiện chất lượng điều hành các cấp ngành, nhưng đó chính là thách thức đối với chính các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh trước những yêu cầu đặt ra.

Từ thực tế môi trường đầu tư của tỉnh cho thấy, Quyết định số 1059 về DCI của tỉnh là hết sức cần thiết và kịp thời. Trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ hợp, hợp tác xã sẽ đánh giá năng lực điều hành, quản lý kinh tế của các sở, ban, ngành và cấp huyện.

Cụ thể, đối với các sở, ban, ngành có 7 chỉ số thành phần để khảo sát, đánh giá. Trong đó, thứ nhất là chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Hai là, chỉ số Tính năng động của lãnh đạo (đó là đánh giá của doanh nghiệp về khả năng vận dụng linh hoạt chính sách, chủ trương, quy định pháp luật của lãnh đạo sở; là sự thường xuyên đối thoại, lắng nghe, ứng xử của lãnh đạo sở với doanh nghiệp, xử lý nhanh gọn các vấn đề của doanh nghiệp).

Ba là, chỉ số Chi phí thời gian (với 6 tiêu chí, chỉ số này nhằm đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành như: thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thủ tục về thuế…).

Bốn là, chỉ số Chi phí không chính thức (trong đó sẽ đánh giá về mức độ chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính; những thay đổi tích cực hoặc đã được giảm bớt về chi phí không chính thức trong năm).

Năm là, chỉ số Năng lực cạnh tranh bình đẳng (để làm rõ có hay không sự ưu ái giữa các tổng công ty, tập đoàn lớn, các nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá mức độ quan tâm của sở ngành tới doanh nghiệp được thực hiện khảo sát).

Sáu là, chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp (qua chỉ số này đo lường các dịch vụ của các sở, ngành để phát triển kinh tế tư nhân qua hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác, thị trường).

Bảy là, chỉ số Thiết chế pháp lý (đó là lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tòa án, tư pháp tỉnh, các yếu tố để doanh nghiệp trông cậy trong giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại, tố cáo các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu của cán bộ công quyền).

Đối với các huyện, thị xã, thành phố thì áp dụng 8 chỉ số thành phần để đánh giá về năng lực điều hành kinh tế, qua đó tạo môi trường cạnh tranh giữa các huyện trong thực hiện phục vụ kinh tế dân doanh.

Đầu tiên là chỉ số Chi phí gia nhập thị trường (có 3 tiêu chí đánh giá: thời gian xử lý thủ tục đăng ký kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký kinh doanh; năng lực xử lý công việc của những cán bộ, công chức phụ trách thủ tục đăng ký kinh doanh).

Thứ hai là chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo (được đánh giá bởi khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho các đối tượng kinh doanh tại địa phương, là khả năng phối hợp và sự cụ thể trong phân công đầu mối chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính, mức độ đối xử với các đối tượng kinh doanh, là kết quả giải quyết các kiến nghị của hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp…).

Ba là, chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin.

Bốn là, chỉ số Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong việc sử dụng đất (có 5 tiêu chí: rủi ro mặt bằng kinh doanh khi bị thu hồi, giải tỏa có cao không, các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, quỹ đất cho doanh nghiệp, đối thoại về đất đai, xử lý hồ sơ về đất đai môi trường, chủ động giải quyết các vấn đề về đất đai).

Năm là, chỉ số Hiệu quả các thủ tục thuế (đó là mức độ công khai số thuế, tuyên truyền phổ biến quy định về thuế, thời gian thực hiện các thủ tục thuế, thái độ phục vụ của cán bộ thuế...).

Sáu là, chỉ số Hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh, trong đó thông qua 6 tiêu chí đánh giá sự sẵn có và chất lượng các chương trình, đề án hỗ trợ cho các cơ sở kinh doanh.

Bảy là, chỉ số không chính thức (những khoản chi ngoài quy định mà đối tượng phải “đưa” cho cán bộ công chức để thực hiện công việc dễ dàng hơn sẽ được doanh nghiệp phản ánh khi thực hiện khảo sát).

Tám là, chỉ số Hiệu quả bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính, đây được coi là bộ phận không thể tách rời môi trường kinh doanh cấp huyện và được đánh giá ở 4 tiêu chí.

Mới ban hành chưa đầy 3 tháng, trong rất nhiều công việc, có thể các sở, ban, ngành và địa phương “chưa kịp” quán triệt triển khai thực hiện Quyết định số 1059 về DCI tỉnh Yên Bái một cách sâu rộng. Nhưng với phương pháp khảo sát, đánh giá khách quan thông qua chấm điểm, phân xếp loại năng lực điều hành theo điểm tổng hợp một cách nghiêm túc thì các chỉ số đặt ra sẽ là thách thức với các sở, ban, ngành địa phương.

Khi công bố kết quả đánh giá này chắc chắn sẽ tạo một cú hích để có thể nâng cao chất lượng hoặc phân hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là thẩm định vai trò người đứng đầu các cơ quan công quyền trong thực hiện mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng bộ máy hành chính mà tỉnh Yên Bái đã đề ra.

Minh Quang