Nỗ lực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 11/10/2016 | 8:19:36 AM

YBĐT - Hiện, toàn tỉnh có khoảng 415 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 3.012 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.300 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống.

Cán bộ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc.
Cán bộ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc.

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp. Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản... góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Để nâng cao nhận thức về đảm bảo, ATVSTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, từ đầu năm tới nay, Chi cục đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động những người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thuỷ sản tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, chất phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm.

Qua 9 tháng năm 2016, Chi cục đã mở 10 lớp tập huấn về xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) và kiến thức ATTP nông, lâm, thuỷ sản cho 620 lượt người; phát hành và in ấn gần 40.000 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến cách nhận biết nhanh sản phẩm không đảm bảo ATTP và cách xử lý đến các hộ sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra 157 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, lấy 91 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 90/91 mẫu kiểm nghiệm đảm bảo an toàn; 1 mẫu thịt sấy phát hiện dương tính với Salmonella. Chi cục đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính với cơ sở mắc các lỗi cơ bản như: chủ cơ sở không cập nhật kiến thức ATTP; chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho người trực tiếp sản xuất chế biến, không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động... với tổng số tiền phạt 6,3 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục đã tham gia đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra 82 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Qua đó, đã phát hiện 20 cơ sở vi phạm về VSATTP, tiến hành xử phạt hành chính hơn 78 triệu đồng và tiêu huỷ hàng hoá trị giá trên 6 triệu đồng. Tuy nhiên, dựa vào những con số nói trên chưa thể khẳng định tình hình VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã được kiểm soát. Bởi vì, còn một số lượng lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng không thuộc đối tượng kiểm tra đánh giá phân loại của Chi cục.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 415 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 3.012 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.300 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống. Hầu hết các cơ sở đều có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nằm phân tán ở khắp các địa phương; ý thức của một bộ phận người sản xuất vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, coi nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng.

Thêm vào đó, kinh phí hàng năm phục vụ kiểm tra, giám sát, lấy mẫu còn rất hạn chế nên kết quả chưa có tính đại diện; hầu hết các mẫu vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới chỉ được kiểm tra định tính. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có chuỗi sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn (chuỗi rau, thịt...) nên chưa kiểm soát được các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Để thực hiện chức năng quản lý nông nghiệp về chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Yên Bái đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Khi phát hiện vi phạm, phải kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, tiến hành xác minh nguồn gốc và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP các sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành liên quan thì các địa phương cần chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để kiểm tra, kiểm soát đạt hiệu quả. Đối với người tiêu dùng, luôn nêu cao ý thức nói không với thực phẩm không an toàn.

Văn Thông