Ngời sáng một tấm gương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2016 | 7:07:36 AM

YBĐT - 45 năm trong quân ngũ, vinh dự được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Thiếu tướng Sa Minh Trắc - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 là một vị tướng giỏi khiến ai đã một lần gặp gỡ cũng đều thấy cảm phục và quý trọng ông.

Thiếu tướng Sa Minh Trắc (giữa) trò chuyện cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Cát Thịnh.
Thiếu tướng Sa Minh Trắc (giữa) trò chuyện cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Cát Thịnh.

Về nghỉ chế độ đã lâu nhưng người lính Cụ Hồ năm xưa ấy vẫn không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, luôn giữ cho mình một trái tim ấm áp, một tấm lòng kiên trung hướng về Đảng, về Tổ quốc và nhân dân.

Liên lạc với ông qua điện thoại, tôi rất ấn tượng bởi giọng nói trầm ấm nhưng đầy khí chất và hào sảng. Đường vào xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn - nơi vợ chồng ông sinh sống khá khó đi bởi đang thi công. Mất hơn 1 tiếng vào tới ngã ba Ba Khe, vượt qua một con dốc cao, trước mắt tôi là khuôn viên đầy cây xanh, cây ăn quả, ao cá và ngôi nhà 2 tầng khang trang của tướng Sa Minh Trắc.

Người đàn ông có mái tóc nhuốm màu thời gian và nước da hồng hào, khỏe mạnh đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Bộ bàn ghế gỗ được đặt ngay ngắn chính giữa khu vườn, mời tôi ngồi, ông rót chén trà, chậm rãi:

- Cháu mà vào sớm chút nữa là có thể ăn hồng bác trồng rồi đó. Đợt vừa rồi chín rộ, riêng bán hồng cũng được hơn chục triệu đồng. Già rồi, ở nhà làm vườn, phát triển kinh tế cũng vui thú lắm cháu ạ!

- Hồng được mùa, lại toàn cây to thế này, hẳn bác phải cải tạo đất đồi rất nhiều đúng không ạ? - tôi hỏi.

Trầm ngâm một lát, ông kể: “Ngày đầu về nghỉ chế độ, tôi luôn trăn trở phải làm thế nào để vừa có công việc kiếm thêm thu nhập vừa để thời gian của mình trôi đi không lãng phí. Nghĩ là làm, tôi quyết định đầu tư vào trồng cây hồng. Hồng có 3 loại là hồng Nhân Hậu, hồng Thạch Thất và hồng Lục Yên rất dễ trồng, không sâu, bệnh mà chỉ cần 3 - 4 năm là cho quả. Bên cạnh đó, tôi còn nuôi nhím. Thời điểm từ năm 2005 - 2010, tổng thu nhập từ nuôi nhím của gia đình tôi khoảng 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Được biết, ngoài trồng cây ăn quả và chăn nuôi, với 3 ha đất rừng, ông Trắc còn tập trung trồng quế và bưởi, xây dựng hệ thống dẫn nước sạch từ lưng núi về sinh hoạt và đào đắp hai ao thả cá, kết hợp nuôi dúi, gà, chim bồ câu…, góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Dưới bóng mát của khu vườn, cứ thế, câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp được ông kể lại thật tự nhiên và sống động.

Sinh ngày 24/11/1942, là người dân tộc Thái, năm 1962, cũng giống như bao thanh niên thời ấy, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 khi vừa tròn 20 tuổi. Cuộc đời quân ngũ 45 năm của ông có đến quá nửa thời gian tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào với các trận đánh và chiến dịch: Nậm Thà, Nậm Bạc, Luông Pha Băng, Thượng Lào, Nam Lào, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng...

Sau đó, từ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Chấn, ông lần lượt trưởng thành giữ cương vị Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn và lên đến vị trí Phó Tư lệnh Quân khu 2 rồi nghỉ hưu năm 2007. “Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tự hào khi là một trong số rất ít người làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 là người dân tộc thiểu số. Khi mới về nhận nhiệm vụ trên cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 2, được phân công phụ trách khối địa phương, nhận thấy quản lý mảng kinh tế, tài chính của Quân khu còn đang khó khăn, nhiệm vụ khối địa phương lại có phần chồng chéo nên tôi mạnh dạn đề xuất phụ trách mảng kinh tế, tài chính. Cũng chính nhờ sự mạnh dạn đó mà sau này, tôi đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - ông chia sẻ.

Với Thiếu tướng Sa Minh Trắc, niềm vui lớn lao nhất của ông bây giờ chính là bốn người con trai hiện đều là đảng viên, trưởng thành trong quân đội. Đó là Thượng tá Sa Minh Chính - Chính ủy Trung đoàn 121, Bộ CHQS tỉnh; Trung tá Sa Minh Nghĩa - Chính ủy Trung đoàn 174, Sư đoàn 316; Thiếu tá Sa Minh Trung, công tác tại Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh  hiện đang theo học văn bằng 2 tại Học viện An ninh nhân dân và con trai út Sa Minh Thành đang công tác tại Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh.

Nói về gia đình Thiếu tướng, ông Phạm Quyết Chiến - Bí thư Chi bộ thôn Ngã Ba, xã Cát Thịnh khẳng định: “Về nghỉ hưu và sinh hoạt chi bộ tại địa phương, Thiếu tướng Sa Minh Trắc luôn tích cực, năng nổ tham gia hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... Là một gia đình mẫu mực, ông luôn giữ được bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ” và đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, ông luôn được bà con, nhân dân tín nhiệm, coi trọng, noi theo”.

Chia tay vị tướng ra về, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng câu nói trầm ấm và cương quyết của ông: “Tôi nuôi dưỡng, dạy dỗ và định hướng cho các con chỉ duy nhất đơn giản một điều: việc cần gật đầu, các con hãy gật đầu kiên quyết. Nếu thấy sai, cần phải lắc đầu thì các con chắc chắn hãy lắc đầu thật kiên quyết. Phải sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc và nhân dân”.

Giờ thì tôi đã hiểu chân lý sống thật sâu sắc đó của vị tướng già khi ông cân nhắc đặt tên cho cả 4 người con trai của mình là: Chính - Nghĩa - Trung - Thành. Để họ - cả 4 người con mà vợ chồng ông nuôi dạy giờ đã đều trưởng thành và lại tiếp nối cha theo con đường binh nghiệp, suốt đời phấn đấu và cống hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Mai Linh