Nông thôn mới và kỳ vọng của cử tri

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2016 | 6:52:49 AM

YBĐT - Hôm qua (20/10), Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc. Ngoài những ý kiến tham gia của cử tri, của các sở, ngành vào các dự án luật, hành trang của các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đến với Kỳ họp có những tâm tư, tình cảm và trách nhiệm của người dân Yên Bái trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

>> Gần 3.000 kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi Quốc hội

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp, những ý kiến đề xuất, trao đổi cởi mở của các cử tri từ vùng thấp đến vùng cao về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm “nóng” nghị trường. Bởi, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân - chủ thể trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tại Yên Bái, đến nay đã có 9/180 xã, phường được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ nay đến cuối năm, sẽ có từ 3 - 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đề nghị thẩm định và công nhận đạt chuẩn. Trên thực tế, ở một tỉnh miền núi có hai huyện nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước thì việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thực sự khó khăn.

 Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri Yên Bái tiếp tục đề nghị có chính sách hỗ trợ hợp lý trong việc đầu tư cho xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng miền núi, vùng cao do công tác quy hoạch, san tạo mặt bằng để xây dựng chợ, sân vận động, nhà văn hóa… không đủ diện tích; thay đổi một số tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nhất là tiêu chí về hộ nghèo. Trên cơ sở đó huy động các nguồn lực để tập trung cho các xã thực hiện đạt các tiêu chí một cách bền vững.

Mục tiêu của tỉnh Yên Bái đặt ra đến năm 2020 sẽ có 25 xã trở lên (chiếm 16,5% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 80 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Con đường phía trước còn lắm gian nan do nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh rất lớn, song là một tỉnh nghèo nên gặp khó trong việc cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, thu nhập của người dân chưa thực sự đạt chuẩn theo tiêu chí đề ra.

Từ những vấn đề đặt ra, cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung trí tuệ, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân để phản ánh với Quốc hội, Nhà nước về thực trạng xây dựng nông thôn mới, những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Qua đó, làm rõ hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ ra những tồn tại trong quản lý đầu tư, tránh gây thất thoát, lãng phí vốn và nguồn đóng góp của nhân dân. Vấn đề nữa mà cử tri mong mỏi ở các đại biểu là sự trao đổi, bàn bạc làm rõ với các bộ, ngành, Chính phủ trong việc hoạch định chính sách trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nông nghiệp đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Làm sao để chính sách ngày càng sát thực tiễn, được nhân dân đón nhận và tạo động lực để góp phần xây dựng vùng nông thôn miền núi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

Với tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm trước cử tri, tin rằng các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy trí tuệ, “hiến công, hiến kế” để Chính phủ có những quyết sách phù hợp để xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Mạnh Cường