Nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 1:51:47 PM

YBĐT - Triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, giải quyết kịp thời kiến nghị của công dân là một trong những biện pháp quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, là một kênh thông tin quan trọng góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể đạt thành tích xuất sắc thực hiện Đề án 1-1133.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể đạt thành tích xuất sắc thực hiện Đề án 1-1133.

Từ khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 có hiệu lực đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp nghiêm túc tổ chức triển khai, các văn bản hướng dẫn thi hành với phương châm giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, lấy kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được triển khai với nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, cấp phát tài liệu về pháp luật KNTC đến tận cơ sở, tuyên truyền thông qua công tác giải đáp thắc mắc của người dân. Từ năm 2013 đến năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án 1-1133 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016”; tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về KNTC” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, nhân dân về pháp luật KNTC.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm phối hợp trong giải quyết các vụ việc  KNTC thuộc thẩm quyền, tăng cường đối thoại, vận dụng chính sách để giải quyết có lý, có tình, tạo sự đồng thuận, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Kết quả hơn 4 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận 926 đơn khiếu nại. Trong đó, đơn trùng, không đủ điều kiện giải quyết là 444 đơn, còn lại 482 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Kết quả, đã giải quyết 469/482 đơn bằng 97%, còn lại 13 đơn đang xem xét giải quyết. Qua giải quyết đơn khiếu nại của công dân đã kiến nghị xử lý thu hồi cho Nhà nước trên 237 triệu đồng và 2.112m2 đất; kiến nghị trả lại cho công dân 87.942m2 đất và gần 1,6 tỷ đồng.

Về kết quả giải quyết tố cáo, đã tiếp nhận 485 đơn; trong đó, 200 đơn không đủ điều kiện giải quyết, đơn trùng không thuộc thẩm quyền, 285 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Kết quả, đã giải quyết 275/285 đơn, bằng 96,4%, còn lại 10 đơn đang xem xét, giải quyết. Qua giải quyết tố cáo của công dân đã kiến nghị xử lý thu hồi cho Nhà nước trên 354 triệu đồng; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 512 m2 đất và trên 190 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết KNTC vẫn còn những hạn chế như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công giải quyết KNTC của công dân; chất lượng giải quyết KNTC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết KNTC cấp cơ sở trình độ hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; việc tổ chức thực hiện các nội dung quyết định, kết luận sau thanh tra còn chưa quyết liệt; công tác tuyên truyền pháp luật, giải thích, vận động trong giải quyết vụ việc khiếu nại đôi khi còn mang tính hình thức.

Cùng với đó, sau hơn 4 năm thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, tại địa phương vẫn còn một số vướng mắc đó là: quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại trong Luật Khiếu nại chưa phù hợp; một số điều của Luật Tố cáo chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người tố cáo; không quy định chế tài cụ thể chế tài xử lý đối với những hành vi bị cấm; chưa quy định nội dung giải quyết tố cáo đối với trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian tại chức nay đã chuyển công tác khác, nghỉ chế độ, gây lúng túng trong việc thụ lý đơn và xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; quy định những trường hợp không được thụ lý giải quyết nhưng chưa bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực tế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp trong bảo vệ người tố cáo...

Để thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC”; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả trong thực hiện pháp luật về giải quyết KNTC; rà soát các vụ việc  KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài để giải quyết dứt điểm; thực hiện nghiêm túc, triệt để các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết KNTC; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC.

Đặc biệt, thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, môi trường, khai thác tài nguyên, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các vấn đề khác liên quan đến quyền và lợi ích của công dân nhằm hạn chế phát sinh KNTC, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, tự giác chấp hành.

Quỳnh Nga