Yên Bái: Ngộ độc thực phẩm - còn đó nỗi lo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2016 | 7:25:33 AM

YBĐT - Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), làm 493 ca mắc, 6 ca tử vong. Mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm và có nhiều biện pháp trong thực hiện nhiệm vụ nhưng vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn vẫn khiến xã hội lo lắng.

Thịt gia cầm là một trong những nguồn thực phẩm được người dân sử dụng thường xuyên.
Thịt gia cầm là một trong những nguồn thực phẩm được người dân sử dụng thường xuyên.

Một số vụ lớn, điển hình

17 vụ NĐTP, làm 493 ca mắc, 6 ca tử vong là những con số đáng lưu tâm về tình hình ngộ độc do thực phẩm từ đầu năm đến nay. Bởi trong cả năm 2015, toàn tỉnh chỉ xảy ra 12 vụ NĐTP làm 237 người mắc và 4 người tử vong. Trong số những vụ ngộ độc xảy ra từ đầu năm đến nay có nhiều vụ bị ngộ độc tập thể.

Đến giờ, nhiều người ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu vẫn nhớ và xem vụ NĐTP ngày 10/2/2016 do ăn thịt trâu chết không rõ nguyên nhân là bài học đắt giá. Cũng chỉ vì tiếc của và thiếu hiểu biết về tác hại khi sử dụng thịt gia súc chết mà gia đình ông Giàng A Thào đã mổ và chia thịt cho các hộ trong thôn.

Đáng nói là ngoài việc con trâu chết không rõ nguyên nhân thì con trâu đó đã chết tới 3 ngày, gia đình ông Thào mới mổ sử dụng và chia thịt cho các hộ. Sau đó đã có 46 người ăn, 34 ca mắc ngộ độc, 9 ca phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Ngoài những vụ ngộ độc do thiếu hiểu biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ NĐTP từ cỗ cưới, tiệc mừng nhà mới... 

Vào hồi 4 giờ, ngày  21/3/2016, gia đình ông Đặng Văn Phú ở thôn Tặng Chan, xã An Lương, huyện Văn Chấn tổ chức cỗ cưới cho con. Đã có 270 người ăn cỗ, 93 ca mắc ngộ độc phải điều trị tại Trạm Y tế xã An Lương và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Rất may không ai tử vong. Nguyên nhân ngộ độc được xác định là do vi khuẩn S.Areus (tụ cầu vàng) có trong món thịt bò nộm tái, bò xào.

Hay ngày 28/5/2016, tại gia đình ông Hoàng Văn Vững ở thôn 3, xã Xuân Long, huyện Yên Bình làm cỗ lên nhà mới. Tổng số 125 người ăn, 53 ca mắc phải điều trị tại Phòng khám Đa khoa xã Minh Tiến và Trung tâm Y tế huyện Lục Yên. Nguyên nhân vụ ngộ độc được xác định từ món dê tái, dưa chuột.

Ngoài ra, trên địa bàn cũng xảy ra NĐTP trong bếp ăn tập thể, điển hình là vụ việc xảy tại Công ty TNHH Unico Global Yên Bái - Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Sau ca ăn trưa ngày 30/7/2016, nhiều công nhân tại Công ty TNHH Unico Hàn Quốc có biểu hiện đau bụng, nôn và khó chịu trong người. Khi vào ca chiều, một số công nhân có biểu hiện tức ngực, đau bụng, nôn mửa, huyết áp tụt...

Nghi là NĐTP, các công nhân được đưa đến cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Được các nhân viên y tế tiến hành cấp cứu kịp thời, truyền dịch, xử lý tháo thụt tiêu hóa, các công nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Nguyên nhân của vụ ngộ độc này được xác định từ món dưa tráng miệng, do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật phát hiện Piperonyl butoxid có trong dưa. Vụ này có tổng số 570 người ăn, 165 ca mắc ngộ độc. Mới đây nhất, vào hồi 18 giờ, ngày 14/11/2016, gia đình ông Ma A Kính thôn 2, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên có ăn nấm xào do chính gia đình ông tự lấy và chế biến.

Gia đình có 7 người cùng ăn. Ngay sau khi ăn 10 phút, bà Hảng Thị Dế xuất hiện các triệu chứng: nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi sau đó là con và chồng bà cùng xuất hiện các triệu chứng trên. Ngay sau đó đã được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Nà Hẩu cấp cứu kịp thời. May mắn, 7 bệnh nhân của vụ ngộ độc đã được Trung tâm Y tế huyện xử lý, cấp cứu và sức khỏe ổn định.

Ngoài những vụ NĐTP tập thể không có nạn nhân tử vong, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều vụ NĐTP khiến 6 người tử vong. Đáng chú ý là vụ việc xảy ra hồi 18 giờ, ngày 10/4/2016, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phình Hồ, huyện Trạm Tấu. 5 học sinh đi lấy củi đã lấy quả hồng trâu rừng ăn bị ngộ độc, 1 em tử vong. Vụ ngày 11/4/2016, tại gia đình bà Hoàng Thị Thăng ở thôn 4, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn trong bữa cơm trưa có 4 người ăn, 2 ca tử vong. Tại huyện Văn Yên xảy ra 2 vụ ngộ độc do người dân ngâm cây lá ngón với rượu, đun nước để uống dẫn đến 2 ca tử vong...

Theo ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Yên Bái, nguyên nhân của những vụ NĐTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua là do nguyên liệu thực phẩm chưa đảm bảo ATVSTP.

Người dân vẫn sử dụng tràn lan các loại hóa chất bảo vệ thực vật dẫn đến lượng tồn dư trong thực phẩm vượt ngưỡng giới hạn cho phép và quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, do trình độ dân trí của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng sâu, vùng xa còn lấy các loại cây rừng, quả rừng mà không biết là cây gì, quả gì về ăn hay ngâm uống, vẫn bắt và ăn cả gan và trứng cóc dẫn đến tử vong…
 
Giảm nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, một số nơi phong tục, tập quán lạc hậu nên kiến thức về ATVSTP chưa đồng đều, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tình trạng NĐTP trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp hiện nay còn do các cơ sở chế biến thực phẩm với quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ, rất khó khăn trong công tác quản lý. Trên địa bàn còn tồn tại nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không đảm bảo như: ăn tiết canh, ăn gỏi cá… Những hành vi này không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen mà phải vận động, tuyên truyền, cần phải có thời gian.

Mặt khác, lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, lực lượng thanh tra chuyên ngành hiện còn mỏng. Do vậy, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là các tuyến huyện, thị, thành phố, kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo ATVSTP rất thấp so với yêu cầu đặt ra.

Cần tuyên truyền cho người dân hiểu biết và sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật an toàn.

Để từng bước hạn chế số vụ, số người mắc ngộ độc thực phẩm, trong điều kiện cụ thể của địa phương, thời gian tới, tỉnh Yên Bái xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSTP và ý thức trong việc chọn lựa thực phẩm an toàn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Đồng thời nâng cao hơn nữa cộng đồng trách nhiệm giữa các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong công tác quản lý nhà nước về ATVSTP nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người và cho toàn xã hội; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng nhằm thực hiện công tác thanh tra thường xuyên, liên tục, góp phần quản lý nhà nước về ATVSTP được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, thực hiện tốt Quy chế Phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo nguyên tắc thống nhất công tác quản lý nhà nước, tránh hình thức trong kiểm tra, xử lý hoặc bỏ trống, chồng chéo đối tượng trên địa bàn quản lý; bảo đảm công bằng, khách quan trong quá trình phối hợp, cùng phát hiện những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp trong tổ chức thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Cần thực hiện tốt các hình thức, nội dung phối hợp.

Trong thực hiện Quy chế, các ngành chức năng cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình về quản lý an toàn thực phẩm... Mặt khác, triển khai mô hình bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.., hạn chế đến mức thấp nhất NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ông Lương Quốc Dũng cho biết: "Từng bước kiểm soát tình hình NĐTP trên địa bàn tỉnh, ngoài mong muốn các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, chúng tôi kiến nghị cần bố trí ngân sách đảm bảo theo kế hoạch của Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm cần có thêm nguồn kinh phí của địa phương cho công tác an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn cho cán bộ chuyên trách ATVSTP ở các tuyến; tăng cường nhân lực cho Chi cục ATVSTP...”.

Thành Trung