Khẩn trương rà soát, đánh giá lại mạng lưới cơ sở dạy nghề

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 2:25:49 PM

Các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện rà soát, đánh giá lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý (không bao gồm các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm).

Đào tạo nghề tại trường nghề Cao Thắng TP Hồ Chí Minh.
Đào tạo nghề tại trường nghề Cao Thắng TP Hồ Chí Minh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương báo cáo thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý (không bao gồm các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm). Đồng thời cần dự kiến rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Mục đích của việc xây dựng báo cáo nhằm xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) yêu cầu báo cáo đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần ngắn gọn, rõ ràng; tập trung vào khó khăn, vướng mắc và định hướng.

Báo cáo rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng lấy hiệu quả đào tạo làm cơ sở chính, giảm bớt đầu mối; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hợp nhất các cơ sở để nâng cấp hoặc giảm đầu mối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cùng địa bàn.Đồng thời chỉ thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi các cơ sở này cam kết thực hiện tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp...

Báo cáo gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 31/12/2016.

Trong năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương cùng với các cơ sở có hoạt động dạy nghề thực hiện nhiều biện pháp để phát triển dạy nghề trong tình hình mới; đặc biệt là đối với công tác tuyển sinh.  Hoạt động dạy nghề đã có nhiều tiến bộ, chất lượng đào tạo càng được nâng lên gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động dạy nghề như: công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề chưa được thực hiện tốt; công tác tuyển sinh chưa gắn với hệ thống thông tin thị trường lao động, nhu cầu lao động trong nước và của các nước trong khu vực; việc phân bố trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề (TCN, CĐN) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và quy mô đào tạo của từng trường chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nhất là nhân lực có tay nghề cao; các nghề đào tạo tại các trường TCN, CĐN trên cùng địa bàn còn chồng chéo nhau dẫn đến khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo, người học bị hạn chế trong lựa chọn nghề để học…

(Theo Dangcongsan.vn)