Thơm ngon xôi ngũ sắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/1/2017 | 2:41:17 PM

YênBái -

YBĐT - Đây là công đoạn đầu tiên, công đoạn lấy lá về ngâm tạo màu cho gạo để làm món xôi ngũ sắc – món ăn đặc trưng của người Thái Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi của người Thái. Ảnh Quyết Thắng

Lá được chọn để ngâm gạo không được quá non hay quá già. Để có được xôi màu đỏ, người Thái dùng lá cơm nếp đỏ (Khảu cắm lành); với màu tím (Khảu cắm lằm) thì dùng lá cơm nếp tím.

Đây là các loại lá mà người Thái thường trồng tại vườn nhà. Xôi màu vàng (Khảu lương) thì được chế từ nước củ nghệ già hoặc cầu kỳ hơn, họ tìm loại hoa mà theo tiếng Thái gọi là hoa Phón để có màu vàng tươi hơn. Khảu khiêu là xôi màu xanh được ngâm bằng lá dứa hoặc lá chuối giã nhuyễn kết hợp với lá cơm tím để có màu xanh đẹp mắt.

Khi đã có nước màu, gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong - loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng được cho vào ngâm từ 8 tiếng đến 10 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ xôi truyền thống của đồng bào.

Sau công đoạn ngâm tạo màu cho gạo, chờ ráo nước là cho vào chõ xôi truyền thống. 

Để có xôi ngon, người Thái không đồ xôi bằng nồi nhôm mà đồ trong chõ xôi gỗ truyền thống, đầu trên có nắp đậy bằng phên nứa như thế này. Kinh nghiệm của các bà, các mẹ người Thái là muốn xôi chín dẻo, cầm nắm mà không bị dính tay thì quá trình đồ xôi, lửa phải đều, đượm than.
Người Thái quan niệm, người con gái Thái ngoài biết thêu dệt, vải thì phải biết làm món xôi ngũ sắc – món ẩm thực mang bản sắc văn hóa của dân tộc. Bởi thế, ngay từ khi còn nhỏ, các bà, các mẹ đã dạy con gái mình cách làm.

Xôi ngũ sắc mang bản sắc văn hóa đặc trưng của người Thái Mường Lò Nghĩa Lộ

Sau gần một tiếng đồng hồ, xôi được đổ ra lá cho nguội. Bà Hoàng Thị Văn cho biết thêm, muốn xôi ngũ sắc nguội nhanh thì phải quạt bằng tay để hơi nóng bay đi từ từ, như thế thì xôi mới rời hạt rồi cho thêm ít dầu ăn vào để hạt xôi bóng mẩy, thơm ngon. Sau đó mới tiến hành trang trí mâm xôi.

Thanh Chi – Quyết Thắng