Thẩm định Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2017 | 5:09:23 PM

YênBái - YBĐT - Chiều 2/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Tạ Văn Long – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị thẩm định.
Đồng chí Tạ Văn Long – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị thẩm định.

Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 dự và chủ trì Hội nghị cùng đại diện một số sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thị, thành phố.

Giai đoạn 2011 - 2015, sản xuất công nghiệp Yên Bái đã phát triển đúng hướng, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Công nghiệp dần trở thành động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng năm 2015 chiếm 28,5%.

Sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển khá, các sản phẩm công nghiệp ngày càng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế so sánh.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái quy hoạch 5 khu công nghiệp, trong đó 3 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào hệ thống các khu công nghiệp quốc gia và 9 cụm công nghiệp. Tuy nhiên với đặc thù là một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội khó khăn nên việc bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, hầu hết  công trình hạ tầng đều chưa được đầu tư đầy đủ và đồng bộ, dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này gặp nhiều khó khăn; mức tăng trưởng hàng năm không ồn định.

Mục tiêu phấn đấu đặt ra là đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 13.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 11,6%/ năm trở lên; đến năm  2025 giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 – 2025 đạt cao hơn giai đoạn trước, cơ cấu nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; đến năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.000 tỷ đồng trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, đến năm 2020 tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, thu hút lấp đầy Khu công nghiệp phía Nam với diện tích 400ha; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu Khu công nghiệp Minh Quân 120ha, Khu công nghiệp Âu Lâu 120ha, đẩy mạnh thu hút đầu tư để có tỷ lệ lấp đầy đạt 60% trở lên; đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng 2 khu công nghiệp Minh Quân và Âu Lâu; thu hút đầu tư lấp đầy diện tích đất công nghiệp; bố trí quy hoạch thêm từ 1 đến 2 khu công nghiệp trên địa bàn, quy mô mỗi khu 200 ha; quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp: một cụm nằm gần nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai IC12, một cụm ở xã Bảo Hưng; chuyển đổi Khu công nghiệp Bắc Văn Yên thành cụm công nghiệp; hoàn thành di dời Cụm công nghiệp Đầm Hồng ra khỏi trung tâm thành phố Yên Bái…

Tùy mức độ phát triển của ngành công nghiệp và dư địa tại các cụm, bố trí quy hoạch mở rộng mỗi cụm lên tối đa 75ha để đảm bảo nhu cầu thuê đất của các doanh nghiệp vào đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đến 2030 đạt 80% trở lên; phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm; rà soát các cơ sở chế biến hiện có, kiên quyết đóng cửa những cơ sở không đảm bảo các điều kiện sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng, có cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn phương án để việc quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực theo đặc trưng từng vùng, đảm bảo hiệu quả, bền vững có tính chuyên sâu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long nhấn mạnh: Việc điều chỉnh Quy hoạch là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa lâu dài, quyết định đến sự phát triển kinh tế  - xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh. Do vậy, đồng chí đề nghị Sở Công thương, là cơ quan soạn thảo văn bản, cần phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia, bổ sung các ý kiến của các ngành để thống nhất về số liệu, câu từ bảo đảm phù hợp với các nội dung, Nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành; trong quá trình hoàn tất văn bản, vấn đề gì chưa phù hợp cần giải thích rõ với các ngành để tạo sự đồng thuận trong soạn thảo đảm bảo nội dung phải tốt, số liệu phải khớp, trên cơ sở đó Hội đồng thẩm định sẽ trình Thường trực Tỉnh ủy thông qua.

Thanh Tân