Mái nhà thứ hai

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/3/2017 | 8:03:04 AM

YBĐT - Mỗi em một hoàn cảnh, em thì cô đơn, không nơi nương tựa, mất bố, mất mẹ, em thì bị bỏ rơi khi mới lọt lòng. Hạnh phúc của các em chỉ đơn giản là có người lắng nghe, trò chuyện mỗi khi nhớ nhà, động viên khi em đạt điểm tốt…

Bữa cơm của các em nhỏ sống tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Bữa cơm của các em nhỏ sống tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh.

Mỗi người chúng ta ai cũng có quan niệm riêng về hạnh phúc. Riêng với những trẻ em kém may mắn ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thì hai tiếng “hạnh phúc” lại đến từ những điều bình dị tưởng chừng hiển nhiên trong cuộc sống của bạn bè đồng trang lứa. Trung tâm là nơi mang đến niềm hạnh phúc mà trước đây nhiều em không có được. Đó không chỉ là tình thương từ các cô, những người săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em mà còn đến từ chính những đứa trẻ sống tại đây. Các em lớn tuổi hơn luôn bao bọc, chăm sóc những em nhỏ bằng cách chỉ bài hoặc phụ các cô nấu ăn, chăm sóc các em. Sống xa cha mẹ, người thân, thiếu thốn tình cảm gia đình nên hạnh phúc của các em ở đây chỉ đơn giản là có người lắng nghe, trò chuyện mỗi khi nhớ nhà, động viên khi em đạt điểm tốt…

Đến Trung tâm vào một chiều xuân, đúng tầm những đứa trẻ tan học về, thấy tôi, cháu nào cháu nấy ngoan ngoãn khoanh tay chào lễ phép. Một cô bé dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn khoác ba lô trên vai, cười tươi chào tôi.

Chị Lê Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm bảo đó là cô bé Giàng Thị Dở - niềm tự hào của các cô nơi đây. Hoàn cảnh của em Dở rất đáng thương. Đến từ xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, sinh ra trong một gia đình có 12 anh em, mẹ mất sớm, bố lại bị bệnh, gia đình vô cùng khó khăn nên em và người anh kế trên phải vào ở Trung tâm từ khi mới 5 tuổi. Đến nay, em đã là học sinh lớp 8 của Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái. Nhiều năm liền, Dở đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Em là đại biểu đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh và Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VIII. Từ khi vào Trung tâm, Dở luôn là tấm gương để các em, các bạn trong ngôi nhà chung noi theo. Em tâm sự: “Khi mới vào Trung tâm em rất lo lắng, sợ hãi, hay khóc vì nhớ nhà nhưng được các mẹ, các cô quan tâm, vỗ về nên em dần hòa đồng. Giờ đây, em đã coi Trung tâm như nhà, các cô như mẹ. Kết quả học tập là tình cảm em muốn gửi gắm và cảm ơn các mẹ, các cô, chú ở Trung tâm đã chăm sóc, cho em có cuộc sống đủ đầy. Em luôn biết ơn và cảm thấy mình hạnh phúc khi được ở mái nhà chung này”.

Trung tâm hiện nuôi dưỡng 82 trẻ. Mỗi em một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều chung chữ “thiệt thòi”, “bất hạnh” vì em thì cô đơn, không nơi nương tựa, mất bố, mất mẹ, em thì bị bỏ rơi khi mới lọt lòng.

Đến với Trung tâm, mỗi đứa trẻ một tính nết, lại đang tuổi ăn, tuổi lớn nên việc chăm lo cho các em chẳng phải dễ dàng. Song bằng tình yêu thương vô bờ bến, những cán bộ ở Trung tâm đã âm thầm cùng nhau chăm sóc, dạy bảo các em như những người cha, người mẹ với mong muốn bù đắp để các em được lớn khôn, thành người có ích cho xã hội. Đáp lại tình cảm của các mẹ, các cô, các chú, những đứa trẻ sống trong ngôi nhà chung luôn yêu thương nhau, chăm ngoan học hành, sống có ích.

Qua câu chuyện, việc làm, những tâm sự của các cán bộ Trung tâm hay những trải lòng của các em nhỏ, hạnh phúc đơn giản là được quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu.

Thu Hiền