Bản Mù xóa ruộng một vụ

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 1:55:31 PM

YBĐT - Để sớm phát huy hiệu quả thế mạnh đất đai, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, tạo đà thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, những năm gần đây, với sự quan tâm của huyện và quyết tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đã cơ bản xóa xong ruộng một vụ, góp phần quan trọng vào giảm nhanh tỷ lệ hộ đói giáp hạt hàng năm.

Toàn bộ diện tích ruộng nước của ông Giàng A Tráng ở thôn Khấu Ly được chuyển sang cấy hai vụ/năm.
Toàn bộ diện tích ruộng nước của ông Giàng A Tráng ở thôn Khấu Ly được chuyển sang cấy hai vụ/năm.

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào Mông, trình độ nhận thức và khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nên dù địa phương có diện tích ruộng nước trên 270 ha nhưng những năm trước đây chỉ có một phần được cấy hai vụ, khiến cho hàng trăm hộ vẫn bị đói giáp hạt.

Ông Giàng A Phông - Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù cho biết: “Là xã thuần nông, đời sống nhân dân 100% dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên xã xác định việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ chính là “chìa khoá” để bà con vươn lên phát triển kinh tế, xã hội. Với tinh thần đó, những năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tăng diện tích cấy lúa xuân, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước để cho nhân dân học tập, làm theo”.

Ông Giàng A Tráng, thôn Khấu Ly tâm sự: “Gia đình tôi là một trong những hộ có nhiều ruộng, nhưng vì trước đây cấy một vụ nên vẫn bị đói giáp hạt. Bốn năm trở lại đây, tôi cấy thêm một nửa diện tích vụ xuân và đã có dư dật lương thực. Hiện nay, Nhà nước đã xây kiên cố kênh mương nên nước tưới luôn đảm bảo, việc cày bừa, gieo cấy cũng nhanh và thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Do đó, tôi đã cấy hai vụ hết diện tích ruộng không chỉ để lấy thóc ăn mà còn để chăn nuôi, bán lấy tiền nuôi con đi học”.

Không chỉ ở những thôn dưới thấp như: Khấu Ly, Mông Đơ, Mông Xi mà những thôn ở cao hơn, khó khăn nhất của xã như thôn Mù Cao, Tà Ghênh, Háng Chi Mua... diện tích ruộng cấy hai vụ cũng đã tăng hàng chục héc - ta mỗi thôn.

Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù khẳng định: “Nhờ được Nhà nước đầu tư kiên cố kênh mương thủy lợi nên mỗi năm bà con trong xã cấy tăng được vài chục héc - ta. Hiện nay, các thôn cơ bản đều đã cấy hết diện tích; trong đó, có thôn Mù Cao là thôn địa hình cao nhất, nguồn nước, khí hậu lạnh và trước đây chỉ cấy được một vụ. Tuy nhiên, bà con thôn này cũng đã chuyển được trên 16 ha sang cấy hai vụ. Còn một số thôn khác như thôn Tà Ghênh, Háng Chi Mua, Giàng La Pán cũng là thôn ở địa hình cao chỉ sau thôn Mù Cao, nhưng Tà Ghênh có 40 ha ruộng nước thì đã có trên 30 ha cấy hai vụ…”.

Với sự cố gắng đó, trong vụ xuân năm 2017, xã Bản Mù đã cơ bản xóa xong diện tích ruộng một vụ.

Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, khi lương thực đã dần được đảm bảo, đời sống ổn định, người dân có điều kiện phát triển thêm các loại cây trồng, vật nuôi khác góp phần tăng thêm thu nhập. Trong đó, tận dụng thuận lợi về điều kiện tự nhiên có bãi chăn thả rộng rãi; có nguồn phụ phẩm nông nghiệp, lương thực, rau màu, nhân dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hiện nay, xã có tổng đàn trâu trên 1.000 con, bò gần 1.000 con và nhiều lợn, dê, gà, vịt; trong đó, có một số hộ nuôi trâu, bò trên chục con mỗi hộ, điển hình như ông Giàng A Phông ở thôn Khấu Ly, Giàng A Sáy, thôn Mông Xi, Sùng Vảng Thào, thôn Háng Chi Mua... và có trên 30 hộ nuôi lợn, dê từ 10 con/lứa trở lên.

Nhờ đẩy mạnh tăng vụ và phát triển chăn nuôi, đến nay, Bản Mù đã giảm hộ đói giáp hạt từ gần 200 hộ năm 2010 xuống còn 80 hộ đầu năm 2017. Hết năm 2016, sản lượng lương thực có hạt của xã đạt trên 2.710 tấn; trong đó, thóc trên 2.170 tấn, tăng trên 60 tấn so với năm 2015, bình quân lương thực đầu người đạt 530 kg/người/năm.

Châu Á - Lê Mai