Phụ nữ Bản Công làm tốt công tác dân số

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/4/2017 | 11:48:15 AM

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Bản Công đã áp dụng các hình thức tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong hội viên phụ nữ.

Chi hội Phụ nữ bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.
Chi hội Phụ nữ bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình.

Chị Giàng Thị Xay - một điển hình trong thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGĐ của bản Tà Xùa, xã Bản Công, Trạm Tấu cho biết: “Nghe Hội Phụ nữ và chính quyền xã tuyên tuyền về KHHGĐ mình cũng hiểu đẻ nhiều là khổ. Mặc dù nhà mình chỉ có hai con gái nhưng mình bàn với chồng rồi, sẽ không đẻ thêm nữa để còn có điều kiện nuôi dạy con và phát triển kinh tế gia đình”.

Cũng như chị Xay, các hội viên khác của bản cũng hiểu và chấp hành tốt chính sách dân số. Năm 2016, thôn Tà Xùa không còn tình trạng sinh con thứ 3. Có được như vậy là nhờ sự đổi mới trong cách nghĩ của của người dân ở đây và sự vào cuộc tuyên truyền của chính quyền và Hội Phụ nữ xã từ việc triển khai xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo.

Cụ thể “5 không, 3 sạch” tại xã Bản Công là: không sinh con thứ 3 trở lên; không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không trồng cây thuốc phiện; không di dân tự do; không có phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương và thực hiện 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Cuộc vận động được Hội Phụ nữ xã triển khai từ năm 2011 với việc tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng các biện pháp KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình.

Ngoài ra, cán bộ Hội còn chia sẻ với hội viên cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, ngăn chặn bạo lực và tệ nạn xã hội từ gia đình, sử dụng nguồn nước sạch trồng rau, xây dựng thói quen sắp xếp nhà cửa gọn gàng, tổ chức vệ sinh đường thôn, bản... Bằng nhiều hình thức như: giao lưu, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, ở Bản Công tình trạng sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Theo chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công: “Với đặc thù 100% hội viên của xã đều là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại chưa nhiều. Cùng đó là tư tưởng các chị ngại đến bệnh viện, ngại được tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tư tưởng thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường và có người lao động, khiến tình trạng sinh con thứ 3 trở lên khá phổ biến. Có những cặp vợ chồng sinh con thứ 7 hoặc thứ 8 mới thôi. Sinh đẻ nhiều khiến chị em không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, không có thời gian chăm sóc bản thân, chăm sóc và nuôi dạy con dẫn đến con trẻ bị suy dinh dưỡng, bản thân sức khỏe giảm sút, khiến người phụ nữ không làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình”.

Từ thực tế đó, mỗi chi hội luôn đổi mới phương thức hoạt động, với phương châm cán bộ Hội là một tuyên truyền viên tích cực, vận động nâng cao nhận thức, xóa bỏ những hủ tục tập quán lạc hậu đưa những văn bản chính sách mới đến hội viên thông qua mỗi buổi họp bản. Tại mỗi buổi họp, chị em thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, có biện pháp khắc phục nâng cao vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, Hội cũng vận động chị em tham gia Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Với sự nỗ lực không ngừng, Hội Phụ nữ xã Bản Công đã làm thay đổi nhận thức của các hội viên phụ nữ ở đây trong việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới giúp hội viên có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

Minh Huyền