Yên Bái: Tạo động lực cho kinh tế tập thể

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/4/2017 | 6:39:52 AM

YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 324 hợp tác xã với tổng số 36.876 thành viên.

Các tổ hợp tác chế biến gỗ rừng trồng góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh Minh Quang
Các tổ hợp tác chế biến gỗ rừng trồng góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh Minh Quang

Kỳ họp thứ 5 - HĐND tỉnh khóa XVIII đã Nghị quyết thông qua Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

Đây sẽ là động lực cho kinh tế tập thể (KTTT) khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; đồng thời, có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp hỗ trợ và tạo điều kiện khuyến khích loại hình KTTT phát triển, tổ chức có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập hiện nay.

Việc hình thành và phát triển các tổ hợp tác đã tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tạo thêm các nghề mới như: sản xuất miến, trồng rau an toàn, thu gom rác thải và sản xuất gạch không nung… Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, KTTT của tỉnh có những chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng.

Nhiều HTX được củng cố, đổi mới; mô hình tổ chức và hoạt động ngày càng phù hợp, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình và không ngừng nâng cao thu nhập cho các thành viên, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 324 HTX với tổng số 36.876 thành viên. Trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 173, chiếm 53,4%; lĩnh vực xây dựng, công nghiệp là 94 hợp tác xã, chiếm 29%; lĩnh vực dịch vụ 57 HTX, chiếm 17,6%. Về tổ hợp tác, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 747 tổ hợp tác với trên 2.670 thành viên; doanh thu bình quân của một tổ hợp tác đạt 290 triệu đồng/năm.

Hoạt động của HTX đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, vừa cải thiện đời sống vật chất, góp phần thay đổi nhận thức cho người dân về hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và nhu cầu của thị trường; đồng thời, có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều sự thay đổi về chất, quy mô HTX còn nhỏ, phạm vi hoạt động chưa được mở rộng, chưa có nhiều HTX điển hình tiên tiến; nhận thức về tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại của HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu.

Năng lực, trình độ cán bộ quản lý của HTX còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhiệm vụ SXKD và nhu cầu của các thành viên trong điều kiện hiện nay. Việc HĐND tỉnh khóa XVIII nghị quyết thông quả Đề án này, được coi là cú huých, tạo động lực cho KTTT của tỉnh phát triển.

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tỉnh Yên Bái tham quan hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Thanh Phúc)

Mục tiêu chung của Đề án là đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của HTX, tổ hợp tác đảm bảo đúng nguyên tắc; khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát triển đa dạng các loại hình hợp tác, tổ hợp tác trong mọi lĩnh vực; tập trung phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực, hiệu quả SXKD gắn với nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tăng cường liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Phấn đấu đến hết năm 2017, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại hoạt động và giải thể đối với 134 HTX yếu kém và đã ngừng hoạt động; tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 75%; giảm tỷ lệ yếu kém xuống dưới 10%; mỗi năm thành lập mới từ 20 HTX trở lên, tạo việc làm mới cho trên 10.700 lao động; thu nhập bình quân của các thành viên trong HTX là trên 60 triệu đồng/năm, trong tổ hợp tác là 40 triệu đồng/năm; 100% cán bộ HTX, tổ hợp tác được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về quản lý nghiệp vụ chuyên môn.

Nghị quyết cũng đã thông qua các nhóm giải pháp về chính sách; trong đó, coi trọng các nhóm giải pháp về chính sách đất đai, chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và ứng dụng KHKT và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, đối với các HTX thành lập mới, đăng ký thay đổi theo quy định của Luật Hợp tác xã sẽ được xem xét hỗ trợ 100% kinh phí nhưng không quá 15 triệu đồng/HTX.

Tổ chức lại hoạt động do chia, tách, sáp nhập được xem xét hỗ trợ 50% kinh phí. Các tổ hợp tác thành lập mới theo quy định được xem xét hỗ trợ thông tin, tư vấn kiến thức về tổ hợp tác và được hỗ trợ 100% kinh phí nhưng không quá 1 triệu đồng/tổ hợp tác.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua  Đề án củng cố, phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”.

Đề án được thông qua, sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế, việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Mạnh Cường