Khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/5/2017 | 2:08:08 PM

YBĐT - Thời gian qua, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái (viết tắt là LHH tỉnh) đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vai trò của đội ngũ trí thức vẫn còn những bất cập, chưa được phát huy đúng mức.

Nông dân huyện Mù Cang Chải được hướng dẫn kỹ thuật ươm cây sơn tra.
Nông dân huyện Mù Cang Chải được hướng dẫn kỹ thuật ươm cây sơn tra.

Còn nhiều bất cập

Được thành lập từ 20/4/2000, đến nay, LHH tỉnh có 22 hội thành viên và 1 đơn vị trực thuộc. Trong những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng, song đội ngũ trí thức có trình độ trên đại học còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức, kỹ thuật viên của tỉnh; chưa gắn quy hoạch đào tạo với sử dụng, nên cơ cấu đội ngũ trí thức chưa thực sự hợp lý.

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Văn Rỡ - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh thừa nhận: “Việc thu hút lực lượng trí thức, khoa học công nghệ, đặc biệt là lực lượng trẻ, sinh viên mới ra trường là một việc khó của Yên Bái. Hiện tại, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút khác nhau nhưng mỗi chính sách lại có đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ khác nhau cho nên chưa bảo đảm được tính thống nhất, công bằng trong việc thực hiện chính sách thu hút, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ của tỉnh”.

Ngoài ra, tình trạng bố trí và sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trái với chuyên môn được đào tạo vẫn còn xảy ra ở một số ngành và địa phương.

Một số lĩnh vực thiếu nguồn cán bộ KHKT được đào tạo cơ bản, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, thiếu nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tình trạng vừa "thừa" vừa "thiếu", không đồng bộ vẫn còn ở một số lĩnh vực. Sự phân bổ theo vùng, miền cũng mất cân đối do phần lớn trí thức tập trung ở các trung tâm hành chính tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, rất ít trí thức có trình độ đại học công tác ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về nội dung và trình độ đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa kết hợp giữa đào tạo về chuyên môn với nâng cao trình độ lý luận chính trị, số trí thức là người dân tộc thiểu số địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề tư vấn, phản biện, giám định xã hội là nhiệm vụ của LHH theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay các chương trình, dự án, các hoạt động khoa học công nghệ vẫn theo nếp quản lý cũ. Do đó, hầu như các hội thành viên trong LHH chưa có điều kiện phát huy đúng vai trò, vị trí của mình. Trong khi đó cũng chưa có cơ chế rõ ràng nên mối quan hệ giữa Hội với các ngành quản lý nhà nước chưa được gắn bó... công tác tập hợp lực lượng trí thức vì thế bị ảnh hưởng nhất định.

Một số giải pháp

Ban Thường vụ LHH tỉnh luôn tập trung chỉ đạo, định hướng hoạt động các hội thành viên, phối hợp với các ban, ngành liên quan của tỉnh chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giới trí thức.

Để tăng cường sự lãnh đạo của tỉnh đối với hoạt động của LHH tỉnh, trong thời gian qua, LHH tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức thành công 7 hội thi sáng tạo KHKT của tỉnh, 12 hội thi sáng tạo trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc và đã có nhiều giải pháp đạt giải cao. Đây là hoạt động tích cực nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo trí thức trong hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương.

Ngoài ra, để từng bước khắc phục những tồn tại và yếu kém trong công tác tập hợp, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế chung của tỉnh, LHH tỉnh đã triển khai nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua Đề án “Các giải pháp nhằm tập hợp và phát huy vai trò đội ngũ trí thức hoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái”. Qua đó sẽ đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách đối với đội ngũ trí thức của tỉnh và LHH địa phương…

Đồng chí Phạm Văn Rỡ - Phó Chủ tịch LHH mong muốn: “Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi hiện nay là phải tham mưu với lãnh đạo tỉnh để thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của LHH tỉnh nhà, đồng thời thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Chúng tôi rất mong muốn tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng khu công nghệ, các cơ sở phục vụ nghiên cứu và thực nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác với với các tỉnh, hợp tác quốc tế, mở ra nhiều khả năng cho đội ngũ trí thức học tập, nâng cao trình độ và cống hiến. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ban hành, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, cơ chế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trí thức làm việc, cống hiến, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức, thành quả của đội ngũ trí thức…”.

Hải Hà