Mù Cang Chải chủ động phòng chống bão lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2017 | 7:56:51 AM

YBĐT - Năm 2017, huyện Kế hoạch phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) được xây dựng cụ thể, chi tiết, đặc biệt xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra thiên tai.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I tỉnh Yên Bái xử lý điểm sạt lở ta-luy dương khu vực đèo Khau Phạ trong mùa mưa bão năm 2016.
Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I tỉnh Yên Bái xử lý điểm sạt lở ta-luy dương khu vực đèo Khau Phạ trong mùa mưa bão năm 2016.

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải gồm 14 đơn vị hành chính, trong đó, có 13 xã và 1 thị trấn; là đầu mối giao thông nối liền Yên Bái với huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, nơi đây thuộc vùng khí hậu á nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm ôn đới.

Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, có nhiều khe sâu, điển hình là suối Nậm Kim bắt nguồn từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống Than Uyên vào mùa mưa nước lớn cuồn cuộn chảy. Hàng năm, trên địa bàn thường xảy ra bão lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở những nơi có ta luy cao, độ dốc lớn dọc theo đường quốc lộ 32 từ đèo Khau Phạ về thị trấn Mù Cang Chải. 

Ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Mù Cang Chải cho biết: "Để chủ động ứng phó kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tổ chức, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và tuyên truyền, vận động những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. Các cơ quan, ban, ngành và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, ngoài việc triển khai tốt công tác phòng chống lũ bão bảo vệ cơ sở của mình, phải phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành lập các tổ, đội xung kích tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nhất là xe ô tô và máy móc để tham gia khắc phục hậu quả theo sự điều động, trưng tập của UBND huyện. Đồng thời, phân công cán bộ và lực lượng dân quân, du kích tuần tra, kiểm tra các công trình giao thông, thuỷ lợi, các công trình công cộng có nguy cơ bị hư hỏng khi mưa bão xảy ra và đề xuất phương án sửa chữa khắc phục".

Kế hoạch PCTT - TKCN năm 2017 của huyện được xây dựng cụ thể, chi tiết nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Các khu vực trọng điểm dễ xảy ra thiên tai được xác định là: khu vực ngập lụt gồm tổ 9, tổ 10 thị trấn Mù Cang Chải; khu vực lũ ống, lũ quét gồm bản Làng Minh, Làng Sang (xã Nậm Khắt), bản Ít Thái, Lìm Thái (xã Cao Phạ); bản Tu San (xã Nậm Có); khu vực sạt lở đất gồm khu vực thị trấn Mù Cang Chải, xã Khao Mang; bản Sáng Nhù (xã Mồ Dề); xã Hồ Bốn; bản Háng Tày, Pú Vá (xã Chế Tạo); khu vực sạt lở đất gây ách tắc giao thông gồm quốc lộ 32 khu đèo Khau Phạ, xã Chế Cu Nha, thị trấn Mù Cang Chải, xã Hồ Bốn. Với kế hoạch này, các biện pháp phòng chống những tình huống thiên tai có thể xảy ra đều rất rõ ràng, cụ thể, toàn diện.

Phương châm chung là thực hiện "4 tại chỗ", huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho hay: “Để làm tốt công tác PCTT - TKCN, UBND xã Chế Cu Nha đã kiện toàn Ban Chỉ huy, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa chắc chắn. Khi có mưa, bà con không nên ngủ lại tại lán nương, không được đi qua suối vào thời điểm mưa bão, lũ đang lên".

Ông Lê Trọng Khang cho biết thêm, từ tình hình thực tế của địa phương và kinh nghiệm của những năm trước, ngay từ đầu mùa mưa bão, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chức năng kiểm tra mặt đường, bờ taluy, rãnh thoát nước, cầu cống và các công trình giao thông bị xuống cấp; kiểm tra hệ thống kênh mương, các mái đá xây dựng các công trình thuỷ lợi có thể bị ảnh hưởng để đề xuất phương án bảo vệ; lập phương án di dời những hộ dân đang sống tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác để tập kết hàng hóa, vật tư thiết bị; vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực và các yếu phẩm khác đảm bảo cho gia đình sinh hoạt từ 5 ngày trở lên khi có tình huống bất trắc; tuyên truyền cho bà con ý thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, không đi bắt cá, vớt củi khi có mưa bão xảy ra...

Với tinh thần chủ động trước mùa mưa bão, tin tưởng rằng, năm 2017 này, huyện Mù Cang Chải sẽ vững vàng trước các tình huống phức tạp của thời tiết và giảm thiểu hậu quả của thiên tai.

Quang Thiều