Nuôi trâu trên đỉnh Mú Cái Hồ

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2017 | 10:52:36 AM

YBĐT - Mú Cái Hồ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải là bản có diện tích đồi cỏ lớn, thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc.

Đàn gia súc của anh Vàng A Tông ở bản Mú Cái Hồ.
Đàn gia súc của anh Vàng A Tông ở bản Mú Cái Hồ.

Mú Cái Hồ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải là bản có diện tích đồi cỏ lớn, thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc. Những năm gần đây, cùng với định hướng của các cấp chính quyền, người dân Mú Cái Hồ đã phát huy lợi thế, mở rộng chăn nuôi đại gia súc mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Vàng A Tông ở Mú Cái Hồ trong làn sương giăng kín và chỉ nghe tiếng mõ lốc cốc, xa xa, phải đến gần 2 tiếng đồng hồ, đàn trâu, bò của nhà anh mới được lùa hết về chuồng.

Anh Tông chia sẻ: “Trước đây, gia đình mình rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, nên đói nghèo cứ quanh quẩn mãi. Được Hội Nông dân hỗ trợ, năm 2012 mình được vay vốn để mua một cặp trâu. Để tiện nguồn cỏ tự nhiên và để không phải đi làm ruộng, nương xa nhà nên mình ở luôn trên đỉnh núi Mú Cái Hồ".

"Ở đây, đồng cỏ rộng và cán bộ thú y cũng luôn sẵn sàng lên tận bản để tiêm phòng dịch, phổ biến kiến thức chăn nuôi nên đàn trâu, bò nhà mình phát triển tốt. Hiện, mình đã có 8 con trâu và 6 con bò, mỗi năm đàn trâu, bò sinh sản thêm 5 - 6 con. Cùng với ngô, lúa, thảo quả thì mỗi năm nhà mình cũng được thu về trên 150 triệu đồng” - anh Tông nói.

Không chỉ tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, anh Tông còn trồng cỏ và tích trữ rơm rạ để chăn nuôi trâu, bò. Vì vậy, đợt rét đậm, rét hại năm 2016, gia đình anh không thiệt hại con trâu, bò nào.

Cùng với gia đình anh Tông, gia đình anh Sùng A Chồng trên đỉnh Mú Cái Hồ cũng là hộ có nguồn thu nhập cao từ chăn nuôi đại gia súc. Nói về việc chăn nuôi trâu, bò, anh Chồng cho hay: “Chăn nuôi trâu, bò ở đây không vất vả vì có đồng cỏ rộng, nhưng mình cũng phải chú ý thời tiết mà cho trâu, bò đi ăn, vì đặc điểm trâu, bò rất dễ bị cước chân. Những ngày mưa rét, nên để trâu, bò tại chuồng cho ăn thêm thức ăn tinh và uống thêm nước muối để tăng sức đề kháng".

Đến nay, đàn đại gia súc của anh Chồng có gần 20 con và mang về nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm.

Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những người dân trên đỉnh Mú Cái Hồ đã phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc với trên 30 hộ có quy mô 10 con trâu, bò trở lên.

Cả bản Mú Cái Hồ có 78 hộ chăn nuôi trâu, bò và phong trào chăn nuôi đại gia súc cũng được nhân rộng ra toàn xã. Theo thống kê, tháng 3/2017, toàn xã có trên 3.000 con trâu, bò và mang lại nguồn thu lớn cho người dân từ việc bán trâu, bò giống và thịt.

Theo ông Hàng A Thào - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Có: “Hội nông dân đã có tạo điều kiện để hội viên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân; triển khai làm điểm mô hình chăn nuôi để các hội viên, nông dân học tập, nhân rộng; đặc biệt là tuyên truyền người dân không thả rông gia súc và biết cách phòng chống đói, rét, tiêm phòng dịch đầy đủ cho gia súc”.

Minh Huyền