Ngời sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2017 | 11:38:02 AM

YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương với mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí và nghị lực của thương binh hạng 3/4 Vũ Đình Sinh ở thôn Gốc Vối, xã Yên Hưng, Văn Yên. 

Ông Vũ Đình Sinh (thứ 2 bên trái) trao đổi việc trồng quế với cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên.
Ông Vũ Đình Sinh (thứ 2 bên trái) trao đổi việc trồng quế với cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Sinh khi gia đình ông vừa thuê người phát tỉa để bán cành lá quế cho các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện. Thấy chúng tôi đến thăm, ông Sinh hồ hởi ra tận đầu ngõ đón, dáng người nhỏ nhắn, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng trông ông vẫn khá nhanh nhẹn. Mời chúng tôi vào nhà, pha ấm trà nóng mời khách, ông Sinh kể cho chúng tôi nghe về ngày đầu khởi nghiệp.

Năm 1977, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Sau một lần địch càn quét, ông bị thương. Đến năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương rồi tham gia công tác ở thôn và xã. Với bản tính chăm chỉ, ông bắt tay ngay vào gây dựng cuộc sống gia đình.

Năm 1985, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông mạnh dạn nhận thêm 5 ha đồi rừng nâng diện tích đồi rừng của gia đình lên 8 ha để thực hiện ước mơ thoát nghèo. Lúc đầu, ông chỉ trồng keo, sắn và ngô vừa phục vụ nhu cầu vừa phát triển chăn nuôi. Cứ như vậy, hai vợ chồng ông không quản sớm hôm, ngày nắng cũng như ngày mưa. Hôm nào trái gió trở trời, vết thương hành hạ, ông không lên đồi được thì hôm sau khỏi lại làm bù.

Ông Sinh chia sẻ: “Chiến tranh khó khăn mấy mình còn chịu được chứ cuộc sống đời thường chả nhẽ lại đầu hang. Là đảng viên, mình có làm được mới nói để bà con nhân dân tin tưởng làm theo. Tôi cứ động viên vợ con cùng nhau làm, cứ mỗi ngày một ít, hôm nay, phát nương, hôm sau tra hạt trồng ngô, sắn và trồng rừng. Lúc đó, phong trào trồng quế chưa phát triển nên gia đình tôi chỉ trồng keo và trồng luồng bán gỗ là chính”.

Lấy ngắn nuôi dài, một năm, ông trồng hai vụ sắn, 2 vụ ngô và 2 vụ lúa. 5 năm sau, những đồi keo, đồi luồng cũng đã đến kỳ thu hoạch. Nhờ đó, gia đình ông đã có chút vốn liếng để tiếp tục đầu tư trồng 8 ha quế. Khi quế còn nhỏ, mỗi năm, ông vẫn trồng xen 2 vụ sắn, 2 vụ ngô. Đến năm thứ 3 khi quế lớn dần, ông tập trung tỉa bớt những cây nhỏ để bán cành lá cho các cơ sở thu mua chế biến của huyện. Khi nào cần làm việc lớn, ông mới khai thác trắng còn thường chỉ khai thác tỉa. Bình quân mỗi năm, tiền bán tỉa quế cũng gần 40 triệu đồng, tiền sắn 40 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, năm 2013, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000 m2 ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá và đấu thầu thêm một số diện tích ao, đầm của địa phương để phát triển nuôi trồng thủy sản. Thực hiện bài bản từ khâu nhập con giống đến khâu chăn nuôi xuất bán, chủ yếu dùng phụ phẩm như ngô, sắn làm thức ăn, bởi vậy mà sản phẩm cá của gia đình ông luôn được nhiều người tin tưởng.

Ông Sinh cho biết thêm: “Mặc dù thời gian nuôi lâu hơn nhưng chất lượng cá tốt và giá cá ổn định, chỉ cần thấy tôi kéo cả là bà con dân làng đã gọi điện đặt trước. Mỗi năm, gia đình tôi cũng thu về 40 triệu đồng tiền bán cá, tiền ươm cá giống 10 triệu đồng, cộng thêm nuôi con trâu nái mỗi năm một lứa cũng có 10 triệu đồng nữa”.

Bằng ý chí và nghị lực, từ một hộ nghèo, đến nay, thương binh Vũ Đình Sinh đã có một cơ ngơi khang trang. Không chỉ làm giàu cho mình, hiện tại, với trọng trách là Bí thư Chi bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã, ông Sinh còn thường xuyên tham gia giúp đỡ những hội viên nghèo về vốn, cây con giống để vươn lên phát triển kinh tế. Những nỗ lực của ông đã được các cấp, các ngành ghi nhận và khen thưởng. 

Lê Thanh