Đánh giá 7 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020"

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/6/2017 | 1:21:50 PM

YênBái - YBĐT - Sáng ngày 15/6, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ - TTg, tổ chức Hội nghị đánh giá 7 năm (2010 - 2016) thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020". Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chủ trì Hội nghị có lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng sự tham gia của các ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong 7 năm (2010 - 2016), thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình của Đề án, toàn tỉnh đã mở trên 1.300 lớp với số lao động nông thôn được học nghề là trên 37.900 người. Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 25.200 người (chiếm 67%), lĩnh vực phi nông nghiệp trên 12.600 người (chiếm 33%).

Toàn tỉnh đã mở 33 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã với gần 2.900 người tham gia.

Sau 7 năm thực hiện Đề án đã có trên 33.300 lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề, đạt 88%. Trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 22.700 người, đạt tỷ lệ 90%; lĩnh vực phi nông nghiệp trên 10.500 người, đạt 83,5%.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn và một số khó khăn, vướng mắc như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa thực sự quan tâm trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn; nhận thức của một bộ phận người lao động còn hạn chế; chất lượng đào tạo lao động lĩnh vực phi nông nghiệp chưa cao; việc giao chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề của tỉnh một số năm còn chậm...

Cũng tại Hội nghị, các ngành, địa phương đã có những kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến ghi nhận những kết quả đạt được của Đề án trong thời gian qua. Đồng thời chỉ ra  những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo nghề và tuyển dụng lao động hiện nay. 

Đồng chí đề nghị, cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nhưng phải có sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã. Các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu, nội dung, số lượng cụ thể của Đề án phù hợp với tình hình thực tế như xác định loại hình, cơ cấu đào tạo...

Đồng chí nhấn mạnh, đào tạo nghề phải gắn với cơ sở sản xuất, tăng cường thực hành nghề; làm tốt công tác khảo sát và dự báo dài hạn nhu cầu đào tạo nghề; định hướng một số nhu cầu; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung thời gian, chương trình và nội dung đào tạo trên cơ sở căn cứ thế mạnh từng vùng và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, đồng chí cũng định hướng việc đào tạo nghề trong lĩnh vực phát triển du lịch; xây dựng huyện, xã nông thôn mới.

Đồng chí yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề cần chủ động, tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; xây dựng kế hoạch, gắn đào tạo theo địa chỉ và gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của của địa phương; liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội.

Đồng chí giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính rà soát quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, xác định loại hình đào tạo, cơ cấu đào tạo, ưu tiên đào tạo lĩnh vực phi nông nghiệp, ưu tiên đối tượng người nghèo, phụ nữ; báo cáo để UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh Đề án trong tháng 7/2017.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đồng chí giao các ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp báo cáo UBND tỉnh.

Lê Thương