Xây dựng nhân cách từ bữa cơm gia đình

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/6/2017 | 8:30:35 AM

YênBái - YBĐT - Qua bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ, dạy con những đạo lý làm người “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tất cả tạo nên nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa Việt. >>>Hạnh phúc là chia sẻ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nói đến văn hóa gia đình, người ta thường đề cập đến bữa cơm. Bữa cơm trong gia đình người Việt không chỉ đơn thuần là nơi mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những món ngon mà cao hơn đó là sự gắn kết các thành viên, hình thành nên truyền thống của gia đình. Qua bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ, dạy con những đạo lý làm người “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tất cả tạo nên nét đẹp độc đáo riêng biệt trong văn hóa Việt.

Khi chưa lập gia đình, chị Nguyễn Thị Thủy ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái luôn theo phương châm “Yêu bản thân, tự do và phụ nữ không bó buộc mình vào bếp núc”.

Chị đã từng rất khó chịu khi thấy những người phụ nữ làm mẹ, làm vợ cứ quấn mình vào bếp với nồng nặc mùi gia vị, dầu mỡ và nóng bức. Chị chia sẻ: “Lúc ấy, với tôi, phải là những cuộc đi chơi với bạn bè, đồng nghiệp, thưởng thức các món ngon đây đó”.

Nhưng từ ngày lập gia đình, sinh con, ai cũng bảo chị thay đổi quá, suốt ngày lên mạng, đọc sách để xem hướng dẫn làm những món ăn, Đông, Tây có cả.

Chị hồ hởi chia sẻ: “Tôi nghiệm ra, cách chăm sóc và giữ gìn hạnh phúc cho gia đình mình dễ nhất là giữ cho căn bếp luôn có mùi thức ăn thơm phức. Mỗi bữa ăn, tôi lại có thể dạy con trai, con gái tôi về cách ứng xử như ngày xưa mẹ đã dạy trong mỗi bữa ăn, ngấm vào máu thịt tôi lúc nào không hay”.

Đúng vậy! Không chỉ là nơi gia đình tụ họp ăn uống, mâm cơm còn chính là nơi thể hiện rõ nét văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt. Mỗi bữa cơm gia đình không chỉ để ăn cho no mà để mọi người trong gia đình hiểu nhau hơn, là sợi dây vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình.

Truyền thống, nề nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Trong bữa cơm mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó còn biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu.

Bữa cơm gia đình Việt chứa đựng những yếu tố văn hóa hết sức tinh tế và lý thú. Những nhà nghiên cứu văn hóa nhận định rằng, người Việt ăn bằng ngũ quan. Thực phẩm chế biến ra có nhiều màu sắc, không chỉ trình bày đẹp mà còn có hương thơm. Cho thức ăn vào miệng cảm nhận được vị mềm của bún, dai của thịt, tiếng lóc cóc của hạt đậu phộng… Ăn bằng mắt, ngửi mùi thơm và nghe âm thanh của thức ăn rồi mới thưởng thức.

Bên cạnh đó, còn rất khoa học, khi ăn sao cho “âm dương tương xứng, hàn nhiệt phân minh". Chị Thủy kể với vẻ mãn nguyện: “Tôi giữ vị trí quan trọng trong căn bếp của mình mỗi ngày với 2 bữa cơm. Nấu ăn với tôi còn là niềm vui, hạnh phúc, đặc biệt là khi tôi tìm tòi, học hỏi được những món ăn cũng như cách chế biến mới để thực đơn cho bữa cơm gia đình thêm phần phong phú, được chồng và con khen ngợi”.

Với niềm hạnh phúc nấu những bữa ăn ngon cho gia đình, chồng chị Thủy đã tìm những thiết kế bếp đẹp và tiện dụng nhất khi gia đình anh chị xây nhà. Anh bảo: “Đó là thế giới của vợ nên mình chọn những gì tốt nhất, cô ấy thích nhất và cô ấy cho là phù hợp nhất. Có thế, cô ấy mới sáng tạo ra nhiều "tác phẩm nghệ thuật" ẩm thực cho 3 bố con”.

Cuộc sống hiện đại khiến mỗi người trở nên bận rộn hơn, nhất là ở những thành phố lớn đã khiến nhiều gia đình ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm thân mật. Người ta thường chọn cách ăn tiện lợi như: ăn ở cửa hàng, ở các tiệm thức ăn nhanh… mà không còn chú tâm đến các bữa cơm gia đình nữa.

Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên do làm cho tình cảm trong gia đình bị rạn nứt. Thế nhưng, những gia đình như chị Thủy không phải là hiếm. Bởi phần lớn trong tiềm thức của mỗi người dân Việt, khung cảnh mâm cơm gia đình vẫn là nét đẹp không thể thiếu trong đời sống thường nhật.

Bữa cơm bao giờ cũng là nơi các thành viên trong gia đình mong ngóng, chờ đợi mỗi ngày để luôn được hưởng những cảm giác được gần gũi nhau hơn trong tình cảm của con cái đối với cha mẹ, ông bà, anh chị em và ngược lại. Là nơi để chia sẻ, giãi bày những công việc trong ngày.

Hãy dành thời gian để cùng nhau ăn một bữa cơm với sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình, hãy trân trọng những phút giây sum họp!

Bữa cơm không chỉ đơn giản là những món ăn ngon ăn chất lượng để duy trì và bảo vệ sức khỏe gia đình mà còn là không gian có thể truyền tải những thông điệp về sự yêu thương, chia sẻ, tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, sự quan tâm chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình ấm áp, hạnh phúc.

Minh Tư