Thoát nghèo nhờ trồng quế và nuôi lợn rừng lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/7/2017 | 1:41:42 PM

YBĐT - Gia đình chị Lâm Thị Sáu, dân tộc Dao ở thôn 8, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên là một trong những điển hình như thế.

Chị Lâm Thị Sáu chăm sóc lợn rừng lai.
Chị Lâm Thị Sáu chăm sóc lợn rừng lai.

Thực hiện chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo vươn lên khá, giàu.

Sau khi xây dựng gia đình, chị Lâm Thị Sáu và anh Lý Văn Đông ở thôn 8, xã Tân Đồng được bố mẹ cho ra ở riêng. Ban đầu, do không có vốn và chưa có nghề nghiệp ổn định nên kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn. Chị Sáu ngày đêm trăn trở phải làm cách nào để đưa gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Khi được bố mẹ chia cho mảnh đất vườn đồi mà đang loay hoay không biết nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp thì thấy báo, đài giới thiệu cách làm các mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và mô hình tổng hợp (vườn - ao - chuồng)... chị đã bàn với chồng về việc phát triển cây quế và được chồng ủng hộ.

Chị cùng chồng đã lặn lội lên tận xã Đại Sơn, Viễn Sơn, huyện Văn Yên tìm mua hạt quế giống về ươm để bắt đầu khởi nghiệp. Chị Sáu cho biết, trồng quế cũng dễ làm và chỉ có thời gian đợi đến khi thu hoạch thì hơi lâu, nhưng trồng quế cũng không mất nhiều công sức chăm sóc, vì mỗi năm chỉ phát cỏ 2 lần, khi nào cây lớn cao thì tỉa thưa, chặt cành giúp cho cây phát triển tốt và lên thẳng. Sau nhiều năm phát triển, đến nay, diện tích quế của gia đình chị có 8 ha và đã cho nguồn thu nhập khá.

Chị Lâm Thị Sáu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng nhờ có Hội Phụ nữ xã Tân Đồng đứng ra tín chấp vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng và tôi vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 50 triệu đồng nữa, tôi mới có vốn đầu tư vào việc phát triển cây quế. Hiện nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”.

Không chỉ trồng quế, gia đình chị Sáu còn phát triển chăn nuôi lợn rừng lai. Sau khi nhận thấy thị trường có nhu cầu tiêu thụ về thịt lợn rừng lai khá lớn, Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên đã triển khai dự án chăn nuôi lợn rừng lai tại xã. Chị Sáu đã chớp thời cơ để đầu tư xây dựng chuồng trại và tìm mua giống lợn rừng lai về nuôi. Để việc chăn nuôi lợn rừng lai đạt hiệu quả kinh tế cao, chị tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương tổ chức.

Trong quá trình nuôi lợn rừng lai, chị không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho lợn mà dùng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như: cám ngô, cám gạo, rau lang, chuối rừng... nên thịt lợn thơm ngon, giá bán dao động từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng/kg lợn hơi, cao hơn nhiều so với thịt lợn thường và rất dễ tiêu thụ. Mỗi năm, gia đình chị đã xuất chuồng trên dưới chục con lợn, bình quân mỗi con từ 30 kg đến 40 kg. Xây dựng mô hình trồng quế và nuôi lợn rừng lai được gần chục năm, hiện gia đình chị Sáu đã có nguồn thu nhập từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm.

Chị Đặng Thị Hương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 8, xã Tân Đồng nhận xét: “Chị Sáu là một hội viên năng động, giỏi làm kinh tế. Khi cuộc sống khá lên, chị đã giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống”.

Ngoài trồng quế, nuôi lợn rừng lai, gia đình chị Sáu còn tích cực sản xuất 2 vụ lúa/năm, mỗi năm thu gần 2 tấn thóc; chăn nuôi gà, vịt và đào ao thả cá để cải thiện đời sống hàng ngày. Nhờ lao động, sản xuất tích cực và mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế, gia đình chị Sáu đã xây được ngôi nhà sàn bê tông khang trang trị giá 500 triệu đồng và mua sắm được đầy đủ các vật dụng, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Không chỉ là làm kinh tế giỏi mà chị Sáu còn là người biết quan tâm giúp đỡ nhiều chị em trong thôn về vốn, cây, con giống và trao đổi kinh nghiệm về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đã có nhiều chị em trong thôn vươn lên thoát nghèo.

Chị Lưu Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Đồng cho hay: “Gia đình chị Sáu là một trong những gia đình hội viên thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tại địa phương, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nỗ lực trong xóa đói, giảm nghèo đã đưa gia đình chị Lâm Thị Sáu trở thành tấm gương tiêu biểu của địa phương".

Chí Sinh