Tập trung cao độ, chủ động phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/8/2017 | 7:06:51 AM

YBĐT - Mưa lũ lớn đêm mùng 2, rạng sáng ngày mùng 3 tháng 8 đã gây hậu quả nặng nề cho huyện vùng cao Mù Cang Chải. Đến chiều qua 3/8, mưa lũ đã làm 15 người chết và mất tích, 8 người bị thương, 46 nhà bị thiệt hại (trong đó 32 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 14 nhà bị sập do sạt lở đất).

Cùng thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, mưa lũ còn gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng: quốc lộ 32, đoạn Km 289+300 bị sạt lở ta-luy dương; đường tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải khối lượng đất đá vùi lấp nền đường khoảng 2 km với khối lượng khoảng trên 10.000m3; đường từ UBND xã Chế Cu Nha về các bản sạt lở nhiều đoạn đường gây ảnh hưởng giao thông đi lại với khối lượng sạt lở khoảng trên 1.500m3; đường từ UBND xã Chế Tạo đi Khu II, lũ cuốn trôi mất hai cầu dầm sắt, khối lượng đất đá sạt lở trên đường khoảng trên 5.000m3...
 
Bên cạnh đó, 6 công trình công cộng bị thiệt hại nặng nề là Trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Khu tập thể Trường THPT Mù Cang Chải, sân vận động huyện Mù Cang Chải và 1 điểm trường tại bản Tà Ghênh, xã Lao Chải... Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.

Với tinh thần chủ động, việc khắc phục hậu quả đã được Yên Bái triển khai tức thì từ cấp tỉnh, huyện, xã, khu dân cư với tinh thần "4 tại chỗ”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà và đoàn công tác đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Huyện Mù Cang Chải đã thành lập các tổ chỉ huy để tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục hiện trường, dọn dẹp nhà cửa, khơi thông dòng chảy, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông và chỉ đạo phụ trách cứu chữa người thương, bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ bị mất nhà cửa và tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ và hỗ trợ kinh phí cho những hộ có người chết, người mất tích, người bị thương và thiệt hại về nhà cửa. Hậu quả thiên tai ở Mù Cang Chải là rất lớn, rất nặng nề và không thể giải quyết một sớm, một chiều.
 
Cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Mù Cang Chải, rất cần sự chung tay giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và cộng đồng. Trong lúc nguy nan nhất, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ, tỉnh, huyện trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả; các lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện, nhân dân... tập trung toàn lực dọn vật cản thông đường, giúp dân dọn nhà cửa, tìm kiếm người mất tích, lo bữa ăn, chỗ ngủ cho những gia đình bị nạn và các em học sinh... đã thắp sáng lên ngọn lửa tình người trong khó khăn, hoạn nạn.

Theo dự báo, mưa lũ thời gian tới còn diễn biến phức tạp, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, mỗi người dân và đặc biệt là huyện Mù Cang Chải cần tiếp tục thực hiện tốt các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - TKCN, của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và đặc biệt là chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc chủ động ứng phó mưa lũ.
 
Huyện Mù Cang Chải cần tiếp tục huy động, tập trung mọi lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh khắc phục hậu quả mưa, lũ; tiếp tục chủ động các phương án phòng tránh thiên tai, trong đó kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm, cứu nạn những người dân bị lũ cuốn; kịp thời động viên, thăm hỏi hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống; đảm bảo giao thông, liên lạc thông suốt; làm tốt công tác tiếp nhận cứu trợ và hỗ trợ...
 
Các huyện, thị, thành phố cần theo dõi sát dự báo tình hình thời tiết tại địa phương mình, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai để người dân sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, bảo vệ các công trình hạ tầng, các hồ chứa bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ; chủ động xây dựng phương án, tăng cường củng cố lực lượng, chuẩn bị tốt phương tiện, nhu yếu phẩm... theo phương châm "4 tại chỗ” phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra.

Toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp các ngành, các địa phương và mỗi người dân trong lúc này hãy tập trung cao độ chủ động phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần cao nhất!

Nguyễn Đình