Hội nghị trao đổi xây dựng “Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc”

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/8/2017 | 12:40:00 PM

YênBái - YBĐT - Thực hiện Văn bản số 6282/BKHĐT ngày 3/8/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc khảo sát và trao đổi xây dựng "Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, sáng 22/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trao đổi xây dựng "Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc”.

Thiếu tướng Đào Kim Long - Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. 

Dự Hội nghị còn có các bộ, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về dự kiến "Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc” như: 

Mở rộng diện cử tuyển đại học; tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp tiếp tục được đào tạo nghề; có quy định về hoạt động của lực lượng quân dân y, có chế độ đãi ngộ cán bộ làm công tác quân dân y đặc biệt vùng sâu, vùng xa.Trung ương áp dụng cơ cấu vốn đối ứng với các dự án vay lại hoặc viện trợ không hoàn lại giống như các dự án được ngân sách Trung ương (NSTW) cấp phát 100% vốn nước ngoài theo tỷ lệ ngân sách Trung ương 80%, ngân sách địa phương 20%.


Đại biểu tỉnh Yên Bái trao đổi tại Hội nghị.

Tăng mức hỗ trợ vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương tới các công trình, dự án quan trọng; địa phương được vay vốn đầu tư trong nước với mức dư nợ (bao gồm vay lại nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách địa phương không vượt quá 50% số thu ngân sách cho địa phương được hưởng theo phân cấp nằm trong mức bội chi ngân sách Nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

Trung ương nâng phần vốn Nhà nước trong dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) cho địa phương mang tính chất liên vùng. Bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo kết luận của Bộ Chính trị và của Đảng, Nhà nước; rút ngắn thời gian sử dụng nguồn vốn trung hạn từ 5 năm xuống 2 đến 3 năm.

Cho phép giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trên địa bàn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Có hệ số K trong hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho khu vực "3 Tây"; tăng mức hỗ trợ với những hộ gia đình tự nguyện ra sinh sống ở khu vực biên giới; để lại cho địa phương 100% nguồn thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu để đầu tư tại địa phương.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đánh giá cao các ý kiến đại biểu đã tập trung phân tích các vấn đề một cách trọng tâm, sát thực tế địa phương; đặc biệt, những vướng mắc trong thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư nguồn nhân lực; trang thiết bị phục vụ; xây dựng cơ chế đặc thù. Đồng thời đề nghị nhóm lại đối tượng nào gắn với an ninh - quốc phòng; nguồn vốn có liên quan đến an ninh  -quốc phòng đề nghị 100% ngân sách Nhà nước và giải ngân một lần do đặc thù vùng Tây Bắc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Đào Kim Long đã tổng hợp được 12 ý kiến của các đại biểu đại diện cho các ngành, địa phương vùng Tây Bắc về dự kiến "Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc”. 

Các ý kiến sẽ được tổ biên tập tiếp thu, tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương kết hợp với ý kiến từ hội nghị tại các vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên để xây dựng hoàn chỉnh "Cơ chế đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ", trình Chính phủ.

Minh Huyền – Hoài Văn